Một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình tại Việt Nam đó là thiếu số liệu về thực trạng tình hình, nguyên nhân, hậu quả, các yếu tố tác động cũng như hiệu quả của các mô hình can thiệp để từ đó có bằng chứng thực tế cho việc xây dựng chính sách, thiết kế chương trình phù hợp. Trước tình hình đó, hơn 10 năm qua UNFPA đã hỗ trợ và phối hợp với đối tác liên quan triển khai một loạt các điều tra quốc gia, nghiên cứu định lượng và định tính, rà soát và phân tích chính sách, đánh giá chương trình về bạo lực gia đình, bao gồm: Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ (2010);
Nghiên cứu Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về – Xu hướng, con đường hình thành lối sống bạo lực, phi bạo lực của nam giới (2012); Nghiên cứu Các yếu tố nguy cơ và bảo vệ của bạo lực gia đình với phụ nữ (2013); Rà soát việc thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình (2015);
Rà soát và tài liệu hóa việc thực hiện Gói can thiệp tối thiểu phòng, chống bạo lực gia đình (2016); Khảo sát đầu kỳ và cuối kỳ về bạo lực gia đình ở Hải Dương và Bến Tre (2012 và 2016. Thời điểm này, UNFPA đang phối hợp cùng với Bộ Lao động-Thương binh và xã hội, và Tổng cục thống kê tiến hành nghiên cứu quốc gia lần 2 về bạo lực với phụ nữ nhằm đưa ra những bằng chứng về tác động của các chính sách và chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong 10 năm qua, từ đó đưa ra những khuyến nghị cho thời gian tới.
Bằng việc sử dụng số liệu, bằng chứng từ các nghiên cứu và rà soát, đánh giá, UNFPA đã liên tục nỗ lực tham gia và hỗ trợ chính phủ Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình như: Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020; Thông tư 16 và sau này được chỉnh sửa thành Thông tư 24 của Bộ Y tế Hướng dẫn chăm sóc và báo cáo bệnh nhân là nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở y tế; Qui chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình do Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2016; Đề án huy động sự tham gia của nam giới trong phòng, chống bạo lực gia đình khu vực nông thôn của Hội Nông dân giai đoạn 2015-2020. Hiện nay, UNFPA đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vận động và xây dựng đề xuất chỉnh sửa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Song song với việc vận động hoàn thiện khung luật pháp chính sách, trong thời gian qua UNFPA đã và đang phối hợp cùng các đối tác triển khai các chương trình và thí điểm các mô hình can thiệp về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình ở cấp quốc gia cũng như tại nhiều địa phương khác nhau trong toàn quốc. Điển hình là dự án Xây dựng ứng phó quốc gia đối với bạo lực gia đình giai đoạn 2012-2016. Trong khuôn khổ dự án, Gói can thiệp tối thiểu về bạo lực gia đình đã được thiết kế và triển khai thí điểm ở hai tỉnh Hải Dương và Bến Tre, tập trung vào 3 hợp phần chính bao gồm: Phòng ngừa, An toàn và bảo vệ, Chuyển gửi. Một trong những kết quả có ý nghĩa của dự án là Chiến dịch truyền thông quốc gia về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình đã được triển khai liên tục hàng năm từ 2013-2016 nhằm hưởng ứng ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ (25/11) và 16 ngày hành động chấm dứt bạo lực với phụ nữ (25/11-10/12). Chiến dịch đã huy động được sự tham gia của hàng chục cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế, tổ chức quần chúng và tổ chức xã hội, diễn ra rộng khắp trên 63 tỉnh thành phố của cả nước và thu hút sự tham gia của hàng triệu lượt người, tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Phát huy hiệu quả của Chiến dịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất và được Thủ tướng chính phủ phê duyệt lấy tháng 6 hàng năm là Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai Tháng hành động. Đồng thời, dự án cũng hỗ trợ việc thiết lập và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình như dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế, dịch vụ an toàn và bảo vệ thông qua hoạt động của Đội phản ứng nhanh (phối hợp với UNODC), các dịch vụ xã hội tại Trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội, tư vấn pháp lý, và đường dây tư vấn…Khi dự án kết thúc, đánh giá cuối kỳ về hiệu quả của dự án cũng như gói can thiệp tối thiểu đã được thực hiện cung cấp cơ sở cho việc đề xuất khuyến nghị và xây dựng tài liệu hướng dẫn nhân rộng gói can thiệp tối thiểu trên phạm vi toàn quốc.
Một hoạt động nổi bật cần được nhấn mạnh đó là việc thành lập và vận hành của Mạng lưới quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì với sự hỗ trợ của UNFPA trong giai đoạn 2012-2016. Mạng lưới có sự tham gia đầy đủ của tất cả các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình ở Việt Nam như các bộ ngành liên quan (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Công An, Bộ Giáo dục, Bộ Tư pháp…), các đoàn thể quần chúng (Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam , Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, và các đối tác phát triển. Mạng lưới đã tạo ra một diễn đàn để các cơ quan tổ chức thường xuyên cập nhật thông tin, chia sẻ bài học kinh nghiệm, cũng như cùng nhau xây dựng các chương trình hoạt động chung nhằm tránh sự chồng chéo, tăng cường hiệu quả cách tiếp cận đa ngành và công tác điều phối trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Đồng thời, UNFPA cũng tổ chức các chuyến tham quan học tập cho lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan quản lý nhà nước và đoàn thể hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình sang các nước khác để học hỏi kinh nghiệm về quản lý, xây dựng và thực hiện chính sách liên quan về bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, nhận thức được tầm quan trọng của việc giám sát đánh giá công tác phòng, chống bạo lực gia đình vốn được coi là một chủ đề rất nhạy cảm, UNFPA đã hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và ban hành Bộ chỉ số theo dõi và đánh giá thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020, đi kèm với việc hướng dẫn và nâng cao năng lực cho các bộ, ban ngành liên quan và các địa phương trong việc thu thập số liệu và báo cáo về công tác phòng chống bạo lực gia đình hàng năm hoặc định kỳ theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, UNFPA cũng phối hợp với Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội xây dựng tài liệu Hướng dẫn giám sát việc thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho các đại biểu quốc hội. Hàng năm, UNFPA cũng hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội triển khai các chuyến giám sát liên ngành việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ở các địa phương khác nhau để thu thập các bằng chứng hỗ trợ việc tăng cường thực thi Luật tại cơ sở.