Về giáo dục giới tính cho trẻ trong giai đoạn này, khảo sát của Trung tâm sáng kiến sức khoẻ và dân số cho thấy, 60% người dân cho rằng nên chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ ngay từ khi trẻ bắt đầu học THCS, nghĩa là phần lớn cha mẹ đều đã biết đến tầm quan trọng của vấn đề này. Tuy nhiên, trên thực tế, cha mẹ dường như lảng tránh khi chia sẻ về tình dục, đa số vẫn còn tư tưởng không muốn “vẽ đường cho hươu chạy”. Kết quả điều tra vị thành niên và thanh niên 2015 (SAVY 2) cho thấy tuổi quan hệ tình dục lần đầu của trẻ vị thành niên hiện nay trung bình là 18,1 tuổi. Hầu hết cha mẹ tự tìm hiểu thông tin, kiến thức qua internet, mạng xã hội, ít tìm hiểu qua các kênh chính thống như trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản, góc tư vấn SKSS, sách, tờ rơi,… Điều này có thể lý giải là do sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, bên cạnh đó, các trung tâm tư vấn chưa thực sự phát huy hiệu quả hoặc đáp ứng nhu cầu của các nhóm đối tượng khác nhau, trong đó có nhóm cha mẹ.
Sức khỏe tinh thần là một vấn đề rất đáng quan tâm ở lứa tuổi 9-16 tuổi, giai đoạn đầu bước vào tuổi vị thành niên. Có một số yếu tố ảnh hưởng từ phía cha mẹ như áp lực muốn trẻ phải thể hiện xuất sắc ở trường, những xung đột trong hôn nhân, cha mẹ ly hôn, bạo lực gia đình từ phía người chồng, và thiếu giao tiếp giữa cha mẹ và con cái làm trầm trọng thêm những căng thẳng trong hộ gia đình và từ đó tác động đến sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên (Unicef, 2018). Ngoài ra, cha mẹ chưa hiểu rõ về sức khỏe tâm thần, chưa kịp thời phát hiện những dấu hiệu sớm để có phương pháp cải thiện sức khỏe tâm thần cho con.
Hướng nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng chọn nghề cho thế hệ trẻ. Tuy vậy, không ít bậc cha mẹ không thể theo kịp sự biến đổi nhanh chóng của xã hội với nhiều loại hình nghề nghiệp đa dạng mà các con đang tìm hiểu, đặc biệt là các bậc cha mẹ ở vùng nông thôn. Thậm chí có những nghề họ chưa từng nghe đến tên gọi nên rất khó đưa ra lời khuyên giúp con hướng nghiệp khi cần thiết. Trên thực tế, các nghiên cứu khác đã chỉ ra con đường lập nghiệp sau khi trẻ rời trường phổ thông là vấn đề khá nan giải với nhiều gia đình cùng hàng loạt các yếu tố tác động để có thể đưa ra biện pháp lựa chọn thích ứng.
Về giáo dục kỹ năng sống, kết quả khảo sát 945 học sinh tại 10 trường THCS tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy 97,4% công nhận cha, mẹ luôn quan tâm đến sức khỏe, việc học hành của mình; 39,5% cho rằng cha mẹ ít khi biết đến việc riêng của mình; 27,4% khẳng định rằng cha mẹ không biết về sở thích của mình; 76,2% cho rằng cha mẹ không để ý con mình đang gặp khó khăn gì để định hướng. Ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các bậc cha mẹ quan niệm giáo dục văn hóa, đạo đức nói chung là nhiệm vụ của nhà trường. Cũng có không ít các bậc cha mẹ vì kế sinh nhai nên thiếu thời gian quan tâm đến giáo dục con cái. Một thực tế nữa là, áp lực học tập hiện nay đối với các em quá nặng, chương trình học văn hóa quá tải; kỹ năng mà các em được rèn luyện chủ yếu là kỹ năng học tập còn kỹ năng sống không được chú ý đầy đủ. Cách dạy con theo kiểu áp đặt “cha mẹ nói sao con phải nghe vậy” vẫn đang lấn át, thiếu sự trao đổi cởi mở đã tạo khoảng cách giữa cha mẹ với con cái, đặc biệt là ở tuổi vị thành niên, khi các em đang chứng tỏ mình đã lớn.
Nghiên cứu cũng cho thấy, ưu tiên khi chia sẻ thông tin với con là vấn đề học tập (điểm số, thi cử, sự chuyên cần, các việc xảy ra ở trường), sau đó là đến ứng xử với mọi người xung quanh; những sinh hoạt hàng ngày như nết ăn, nết ở, ăn mặc, đầu tóc áo quần; bạn bè của con (để giám sát). Sức khỏe tuổi dậy thì được đặt xuống gần cuối cùng (sau những mối quan tâm/lo lắng) trong thứ tự ưu tiên này. Những chủ đề rất quan trọng với tuổi dậy thì của con cái thì các bậc cha mẹ lại rất ít trao đổi. Ví dụ sức khỏe tuổi dậy thì, kiến thức về tình yêu, tình dục và các mối quan tâm, lo lắng của con cái như tình yêu, quan hệ bạn bè, thầy cô giáo, bạo lực học đường. Mặc dù ít chuyện trò với trẻ về các chủ đề sức khỏe sinh sản nhưng khi con cái hỏi thì nhiều bậc cha mẹ phớt lờ hoặc mắng mỏ hoặc ỷ lại cho nhà trường. Có đến 11,5% trẻ cho biết bị mẹ mắng mỏ khi hỏi hoặc từ chối trả lời.
Vấn đề hướng dẫn quản lý tài chính cho con cũng còn rất hạn chế. Bản thân cha mẹ cũng chưa có năng lực “hiểu biết tài chính”. Cuộc điều tra của Standard & Poor năm 2014 về mức độ hiểu biết tài chính cho thấy chỉ có 1/4 người trưởng thành ở Việt Nam có thông tin, kiến thức về quản lý tài chính, thấp hơn nhiều so với các nước cùng khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là hạn chế lớn khiến cha mẹ chưa quan tâm đến vấn đề hướng dẫn con quản lý tài chính.