Về chăm sóc sức khỏe, mặc dù cha mẹ đã có sự quan tâm hơn đến sự phát triển của trẻ ngay từ giai đoạn thai kỳ, tuy nhiên kiến thức và thực hành của cha mẹ, đặc biệt là bà mẹ còn hạn chế. Kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2015 cho thấy 32,8% phụ nữ mang thai tại Việt Nam thiếu máu, trong đó có 54,3% các trường hợp là do thiếu sắt, phần lớn do các bà mẹ chưa biết lựa chọn các thực phẩm giàu chất sắt và chưa biết bổ sung sắt phù hợp. Vấn đề sàng lọc trước sinh vẫn còn chưa được quan tâm, báo cáo của Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình năm 2017 cho thấy tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc mới đạt 20% và tỷ lệ trẻ em sơ sinh được sàng lọc đạt 40%, có địa phương, tỷ lệ này chỉ 10-20%.
Vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ cũng chưa được thực hiện tốt, báo cáo của UNICEF gần đây cho thấy vẫn còn tới gần 30% trẻ mới sinh chưa được bú sớm sau sinh. Phụ nữ chiếm trên 60% lao động trong các nhà máy, xí nghiệp thuộc 17 tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất ở Việt Nam, trong khi ở đó thiếu các dịch vụ hỗ trợ, rất thiếu các cơ sở giáo dục mầm non nhận trẻ từ 3 tháng để các bà mẹ vừa làm việc và vừa nghỉ cho con bú theo quy định. Theo Báo cáo đánh giá mô hình giáo dục làm cha mẹ và khảo sát nhu cầu giáo dục cách làm cha mẹ, Plan (2019), do điều kiện sống và làm việc theo ca, kíp nên các bà mẹ làm công nhân thường chỉ cho con bú được 3 tháng, sau đó cho con ăn dặm luôn hoặc cai sữa mẹ và gửi con về ông, bà. Khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên 2.100 cha mẹ cũng cho thấy cha mẹ chưa tạo được thói quen ăn uống tích cực cho con, có tới 88% cha mẹ cho con xem tivi, điện thoại khi ăn. Việc cha mẹ cho trẻ xem ti vi, điện thoại…khi ăn, tạo tiền lệ xấu cho trẻ, đồng thời ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa của trẻ.
Với trẻ lớn hơn, cha mẹ đã quan tâm hơn về cân đối bữa ăn và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tuy nhiên, có sự mất cân đối năng lượng giữa các bữa ăn (Plan, 2019). Đặc biệt, hiện nay mức tiêu dùng sữa của trẻ em Việt Nam còn thấp hơn so với khu vực, điều này ảnh hưởng rất lớn đến cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, cha mẹ, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng miền núi vẫn chưa thực hành tốt về vệ sinh, phòng bệnh, xử trí bệnh thông thường cho trẻ. Nghiên cứu cắt ngang thực hiện năm 2013 trên 330 trẻ dưới 5 tuổi và các bà mẹ tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho thấy chỉ có 16,8% số trẻ được theo dõi cân nặng định kỳ hàng tháng và 36,4% trẻ được theo dõi cân nặng 3 tháng/lần. Có đến trên 50% trẻ không được đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch (48,4%). Tình trạng cha mẹ người DTTS mời thầy bói, thầy cúng khi trẻ bị bệnh thay vì đi khám tại cơ sở y tế còn khá phổ biến. Việc chăm sóc trẻ ở vùng miền núi chủ yếu đều theo kinh nghiệm và khả năng của từng gia đình, chưa dựa trên cơ sở khoa học. Thói quen địu con đi nương rẫy khi mới 2, 3 tháng tuổi vẫn khá phổ biến. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sự an toàn của trẻ.
Về giáo dục trẻ, đa số cha mẹ chưa nhận thức được vai trò, sứ mệnh thiêng liêng là người thầy đầu tiên trong chăm sóc, giáo dục trẻ, chưa chú ý giáo dục kích thích sự phát triển của trẻ và cho rằng “trẻ nhỏ quá đã biết gì đâu mà giáo dục”. Tỷ lệ cha mẹ giảm thời gian làm việc hay từ chối công việc làm thêm để hướng dẫn con học tập chỉ chiếm khoảng 30%, trong đó cha mẹ làm nghề lao động trí óc sẵn sàng dành thời gian cho con nhiều hơn so với lao động chân tay. Nghiên cứu này cũng chỉ ra người mẹ sẵn sàng dành thời gian theo dõi, giúp đỡ con học bài hơn so với người cha, với tỷ lệ 40% so với 23%. Có đến 56% cha mẹ chưa quan tâm đến việc mua sách và hướng dẫn trẻ đọc sách, đặc biệt tại vùng miền núi, cha mẹ chưa quan tâm đến việc hướng dẫn giáo dục trẻ ở nhà. Kết quả nghiên cứu của Bộ Giáo dục cũng cho thấy những việc mà cha mẹ thường làm cho trẻ tại gia đình vẫn thường mang tính chất chăm sóc, có xu hướng làm thay trẻ. Đặc biệt, cha mẹ chưa quan tâm áp dụng những phương pháp giáo dục tích cực học tập thông qua các hoạt động vui chơi, khám phá.
Vấn đề bảo vệ trẻ cũng còn nhiều bất cập, thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, hơn 77% trẻ bị đuối nước tại cộng đồng, trong đó, có tới 22% trẻ bị đuối nước trong môi trường cạnh nhà, thậm chí các em bị đuối nước ngay trong nhà tắm do sự bất cẩn của ông bà, bố mẹ. Ngoài ra, bạo hành không gian mạng ngày càng tăng trong khi cha mẹ, người chăm sóc trẻ chưa hiểu được đầy đủ tác động của việc tiếp cận và sử dụng mạng xã hội tới sự chăm sóc, phát triển trẻ, chưa biết cách sử dụng và hướng dẫn trẻ tiếp cận thông tin trên mạng hợp lý.
Bạo lực và xâm hại trẻ em có thể xảy ra trong tất cả các môi trường, trong đó môi trường gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất 65,5% (Viện nghiên cứu Thanh niên, 2017), trong khi đó, đa phần cha mẹ chỉ cảnh giác con trẻ phải đề phòng người “lạ”. Hầu hết cha mẹ còn rất chủ quan, không nghĩ đến nguy cơ xâm hại hay bắt cóc trẻ em, vẫn còn tình trạng để trẻ nhỏ ở trong nhà một mình hay gửi người quen, hàng xóm trông hộ. Đồng thời, cha mẹ chưa chú trọng phòng, tránh bạo lực cho trẻ em tại gia đình, bởi nhiều cha mẹ lại chính là người gây ra bạo lực với trẻ em.
Cha mẹ cũng ít cho trẻ được khẳng định bản thân, chính kiến. Kết quả nghiên cứu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy những việc mà cha mẹ thường làm cho trẻ tại gia đình vẫn thường mang tính chất chăm sóc, đặc biệt là có xu hướng làm thay trẻ. Việc cha mẹ cho trẻ được “thỏa thuận”, “hợp tác” và tham gia còn ít được thực hiện. Phần lớn cha mẹ áp đặt, chưa tôn trọng ý kiến của trẻ. Chỉ có khoảng 50% cha mẹ có thái độ lắng nghe ý kiến của trẻ em, trong đó cha mẹ miền Bắc có tỷ lệ thấp hơn, đặc biệt, có trên 20% cha mẹ khu vực miền Bắc trách mắng khi trẻ tham gia ý kiến. Theo Báo cáo của Cục BVCSTE – Bộ LĐTB&XH, phần lớn cha mẹ bận công việc, có rất ít thời gian để nói chuyện, hỏi ý kiến của con, số lượng cha mẹ dành ra mỗi ngày 30 phút để nói chuyện với con cũng rất hạn chế chủ yếu trẻ tương tác với thầy cô, ông bà, người giúp việc, thậm chí là điện thoại, máy tính….