Ngày 27,28/9/2018, Đoàn công tác liên ngành do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập, kiểm tra công tác gia đình tại tỉnh Lạng Sơn.
Thành phần của Đoàn gồm có: Lãnh đạo và chuyên viên Vụ Gia đình; đại diện của các cơ quan: Ban thanh tra, Tòa án nhân dân tối cao, phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đoàn làm việc tại Ủy ban nhân dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn
Nội dung kiểm tra: Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác gia đình và quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình trong 9 tháng đầu năm 2018 đặc biệt là những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong công tác gia đình.
Kết quả kiểm tra: Trong thời gian qua, Công tác gia đình được tỉnh triển khai một cách bài bản và kịp thời, nên đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: Nhận thức về công tác gia đình của người dân và các cấp, các ngành ngày một tăng lên; đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của người dân dần được cải thiện; sự quan tâm chăm sóc của gia đình đối với người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ được chú trọng. Công tác PCBLGĐ ngày càng được quan tâm, tình trạng bạo lực gia đình năm sau giảm hơn năm trước. Công tác đào tạo, tập huấn cán bộ thực hiện tốt (năm 2018, Sở Tư pháp đã tổ chức 10 Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải ở cơ sở. Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật hộ tịch tại 10 xã thuộc 6/11 huyện. Liên đoàn lao động tỉnh tổ chức 5 lớp tập huấn có lồng ghép nghiệp vụ công tác nữ công cho 362 lượt cán bộ công đoàn, cán bộ nữ công. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội mở 1 lớp tập huấn về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức 11 lớp tập huấn cho 142 mô hình PCBLGĐ tại 11 huyện thành phố; đối tượng tập huấn là Ban chủ nhiệm mô hình, nhóm PCBLGĐ, cán bộ văn hóa xã hội, lãnh đạo UBND xã, tổng số học viên khoảng 1700 người).
Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát nhận thấy công tác gia đình tại các địa phương còn gặp khó khăn về nhiều mặt như: nguồn lực đầu tư cho công tác gia đình còn hạn chế, công tác tuyên truyền đôi lúc còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả, nhận thức chung của người dân, mỗi gia đình và cộng đồng, xã hội về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình còn hạn chế.
Địa phương kiến nghị với Bộ: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Đề xuất, kiến nghị Bộ Nội vụ: Bổ sung nhiệm vụ về công tác gia đình cho cán bộ văn hóa, xã hội cấp xã trong Thông tư 06/2012/TT-BNV; Hướng dẫn địa phương xây dựng mạng lưới cộng tác viên về gia đình (Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017); Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác gia đình cấp tỉnh, huyện, xã và cơ sở; Cung cấp các tài liệu tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác gia đình, tài liệu tuyên truyền về giáo dục đời sống gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình (chú trọng hướng dẫn các hoạt động ở cấp cơ sở); Thực hiện tổng kết 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ; trên cơ sở đó có những đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật để tăng hiệu lực thi hành của Luật trong thực tiễn.
Đoàn kiểm tra đề nghị: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản về công tác gia đình; Nghiên cứu thành lập đội ngũ cộng tác viên về công tác gia đình, trên cơ sở kiện toàn, sử dụng đội ngũ cộng tác viên về dân số. Hỗ trợ phụ cấp cho đội ngũ này hoàn thành nhiệm vụ; Tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu, rộng hơn tại cộng đồng dân cư về luật pháp, chính sách, kiến thức và kỹ năng về gia đình và PCBLGĐ./.