Trong xã hội đầy phức tạp và cạnh tranh, nếu biết kiềm chế cảm xúc để làm chủ bản thân mình là bạn đạt đến 50% của sự thành công trong tương lai. Tục ngữ Việt Nam có câu “cả giận mất khôn”. Đúng vậy, ai trong chúng ta cũng đều nhận thức được hậu quả của việc không giữ được bình tĩnh và mất lý trí do nổi nóng nhất thời. Cách chúng ta có thể vượt qua được chính là hiểu rõ và kiềm chế cảm xúc của mình.
Thuyết hệ thống sinh thái chú ý vị trí của cá nhân trong môi trường sống. Điều này quan trọng vì con người không sống biệt lập mà luôn luôn sống trong cộng đồng và tác động qua lại lẫn nhau. Trong công tác xã hội, mỗi cá nhân được xem là một hệ thống và nằm trong hệ thống lớn hơn đó là gia đình. Bởi vậy, mọi suy nghĩ, hành động của cá nhân sẽ ảnh hưởng tới các thành viên khác trong gia đình và tác động qua lại với nhau.
Nếu 1 thành viên trong gia đình mang tâm lý khó chịu, bực dọc, ức chế sẽ thường có xu hướng xả những cảm xúc tiêu cực đó lên những người xung quanh (đặc biệt là các thành viên trong gia đình). Như vậy, nếu chúng ta không có kỹ năng kiềm chế cảm xúc thì sẽ rất dễ gây ra những tranh cãi, mâu thuẫn, bất hòa hoặc bạo lực với những người xung quanh.
Vậy, làm cách nào để kiềm chế cảm xúc khi nóng giận? Dưới đây là một số giải pháp chúng ta có thể dễ dàng thực hiện:
Trong cuốn Anger Management Essentials: A Workbook for People, nhà trị liệu Anita Avedian khuyên chúng ta rời khỏi phòng và thong thả tản bộ để mau nguôi cơn giận. Tác giả giải thích rằng, khi đi bộ, cơ thể sẽ giải phóng hormone Endorphin giúp giảm đau và hạn chế căng thẳng.
Thả lỏng cơ thể. Hãy massage nhẹ nhàng vùng vai, cánh tay, bàn tay, chân và bàn chân. Cách làm này sẽ giảm bớt sự mệt mỏi về mặt thể chất cũng như xoa dịu tinh thần đáng kể.
Khi tức giận, chúng ta cũng nên dành thời gian theo dõi những video dí dỏm trên YouTube, các tập phim sitcom vui vẻ,… Những nụ cười sảng khoái sẽ tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực giúp vượt qua những cảm xúc rối ren trong lòng.
Các chuyên gia khuyên rằng, chúng ta nên viết vài dòng cho người mình đang tức giận 01 lá thư. Lá thư này bạn sẽ không gửi đi mà chỉ giữ cho riêng mình. Trong lá thư, hãy chân thành bày tỏ những suy nghĩ, cảm xúc và trăn trở của mình về vấn đề hiện tại với đối phương. Điều này sẽ mang đến một cơ hội mới để nhìn nhận câu chuyện cũ với tâm thế lạc quan và nhẹ nhõm hơn.
Cuối cùng là hãy tự chăm sóc bản thân thật tốt. Khi cơ thể khỏe mạnh, tinh thần thư thái, chúng ta sẽ trở nên bình tĩnh và tích cực hơn. Hãy tập thể dục đều đặn, ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc, theo đuổi sở thích cá nhân…để giữ tâm thái bình yên, hạnh phúc, tránh xa những cảm xúc tiêu cực!