Dù nghèo hèn hay sang trọng thì bình thường mỗi người sinh ra đều có quê hương, bản quán, nơi đó họ có một mái ấm gia đình hay chỗ để “chui ra chui vào”. Cái chỗ ấy chính là không gian riêng của mỗi gia đình, một môi trường văn hoá mà hầu hết mọi người đều từng sống, nếu không phải cả đời thì ít nhất cũng đến khi trưởng thành. Tuỳ theo hoàn cảnh của mỗi người, có người “sinh ra trong nhung lụa”, có người “sinh ra trong bần hàn đói kém” thì cũng đều là chỗ họ phải sống, phải lớn lên cho đến khi bứt khỏi bàn tay nuôi nấng của cha mẹ. Chưa kể đến những ngoại lệ của cuộc đời như những kẻ không gia đình, người bị bỏ rơi được đem về chùa hay cô nhi viện, hoặc những người may mắn hơn được làm con nuôi của những gia đình hiếm muộn…, nhưng ở đâu họ cũng có một tổ ấm theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp của nó. Chính cái không gian vật chất để giúp con người sống đó sẽ là một môi trường rèn đúc, có tác động không nhỏ đến việc hình thành con người sau này, do vậy nó đóng vai trò không nhỏ đối với cuộc đời mỗi người trong chúng ta. Cái “thời thơ ấu” ấy in đậm trong từng con người từ chỗ ngủ đến nơi sinh hoạt chung của gia đình, cái sân, cái bếp, cái chuồng lợn, chuồng gà, vườn nhà, ao cá hoặc chỉ một túp lều lụp xụp nghèo đói. Đương nhiên đối với gia đình khá giả thì phòng ngủ, nhà tắm, phòng ăn, bể bơi hay mọi thứ không gian sang trọng khác lại có tác động khác, có những kỉ niệm, trải nghiệm cho người lớn lên từ đó. Cái môi trường không gian sống đó của mỗi người, ở từng vùng miền, trong từng điều kiện sẽ tạo nên những dấu ấn cuộc đời, hình thành nên nhiều tính cách khác nhau của họ. Để khi họ trưởng thành không ít những kỉ niệm về không gian đó đã làm nên tiếng tăm, thân phận họ nổi tiếng và nói hộ, trải lòng giúp biết bao người như một “Hơi ấm ổ rơm” của Nguyễn Duy hay Bếp lửa của Bằng Việt…Tất nhiên, ngược lại cũng có không biết bao nhiêu cay đắng và đau khổ mà người ta phải trải nghiệm trong cái không gian sống ấy, cả người nghèo lẫn người giàu, để đến nỗi không ít người giàu cũng khóc.
Bên cạnh cái không gian ở của gia đình thì cái không gian mà gia đình đó tồn tại cùng như thôn xóm, làng với những cánh đồng, đồi núi, sông, hồ, ao…, tức là không gian của địa phương nơi gia đình tồn tại. Nó không phải là không gian cá nhân của mỗi gia đình, nhưng là nơi mà mỗi ngườiđều phải trải qua để sống trong thời gian ở quê, từ việc chăn trâu, cắt cỏ đến đi cày đi cấy… Còn đối với người phố thị là khu phố cùng những nơi liên quan như bến xe, bến tàu, công viên, vườn hoa, cửa hàng, chợ…. Mỗi một không gian ấy đều là thân thiết với từng người sống với nó, có thể là những trải nghiệm êm đềm của cây đa, bến nước, con đò, “quê hương là chùm khế ngọt” (Quê hương, Đỗ Trung Quân) hay nỗi nhớ con sông quê hương (Quê hương, Giang Nam)…, nhưng cũng có thể là những đắng cay, thù hận của những kẻ bụi đời bởi một cuộc sống lam lũ, lầm than tủi nhục của những kẻ như Chí Phèo,của Nam Cao, Sơn tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng…
Tóm lại, cái không gian vật chất, nơi mỗi con người sinh ra và lớn lên luôn là một môi trường văn hoá gia đình quan trọng của con người. Không gian đó là một phần trong số phận của mỗi con người chúng ta. Nó đóng vai trò không nhỏ trong việc hình thành nên tính cách, hướng đi, ảnh hưởng vào suy nghĩ, tâm tưởng của con người. Nó chỉ là những không gian vô tri vô giác, song lại gắn vào đó bằng những kỉ niệm, những sự kiện thăng trầm của cuộc đời tạo nên sự ám ảnh đi với họ trong suốt cuộc đời. Vì nó vô tri vô giác, nên để nó gắn kết với số phận của mỗi người lại chính là những thực hành hàng ngày, những câu chuyện trong cuộc sống hàng ngày và cuộc sống tâm linh.