Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc đã ban hành Luật mẫu về BLGĐ và khuyến khích các quốc gia xác định phạm vi mối quan hệ nảy sinh BLGĐ càng rộng càng tốt. Luật quy định các mối quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh: Vợ, tình nhân sống cùng; vợ cũ hoặc tình nhân cũ; bạn gái (kể cả không sống cùng); người phụ nữ là họ hàng (như chị, em gái, con gái, mẹ) và người phụ nữ giúp việc gia đình. Về hành vi BLGĐ, Luật mẫu quy định tất cả các hành vi lạm dụng thể chất, tâm lý, tình dục dựa trên cơ sở giới của một thành viên gia đình đối với một người phụ nữ trong gia đình đều được coi là BLGĐ. Các quốc gia hầu hết đều xác định các loại hành vi BLGĐ gồm bạo lực thể chất, bạo lực tâm lý/tình cảm, bạo lực tình dục, bạo lực kinh tế và liệt kê cụ thể các hành vi này.
Dựa trên các nội dung được quy định trong Luật này, mỗi quốc gia cụ thể hóa các quy định trong Luật mẫu để phù hợp với tình hình thực tế của mình. Cụ thể trong việc xác định mối quan hệ gia đình, Bungari xác định vợ chồng hay từng là vợ/chồng, người đang hay đã từng sống chung như vợ chồng, người có con chung, ông bà, cháu, anh chị em ruột, người có họ hàng trong phạm vi 3 đời, người giám hộ hay cha mẹ nuôi tạm thời; Hàn Quốc xác định các thành viên trong gia đình là vợ chồng, người nào đang có quan hệ hoặc đã từng có quan hệ tổ tiên (chung huyết thống hoặc nhận con nuôi hợp pháp), quan hệ là con, quan hệ họ hàng và chung sống cùng nhau; Việt Nam xác định mối quan hệ gia đình dựa trên mối quan hệ về hôn nhân, quan hệ về huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng. Cụ thể hóa 3 mối quan hệ này, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 của Việt Nam đã xác định rõ thành viên gia đình. Việc xác định rõ thành viên gia đình là tiền đề quan trọng để xác định và phân biệt rõ hành vi BLGĐ với hành vi bạo lực ngoài gia đình.
Luật PCBLGĐ 2007 của Việt Nam tuy không đề cập đến bạo lực tình dục trong nội hàm khái niệm BLGĐ; hanh vi bạo lực tình dục quy định tại điểm đ, Khoản 1, Điều 2 Luật PCBLGĐ không bao gồm hành vi hiếp dâm trong hôn nhân. Bạo lực tình dục có thể dẫn đến các tổn thương về thể chất và tinh thần/tâm lý, nhưng trong quy định của Luật hiện hành chưa thừa nhận những hành vi làm tổn hại đến đời sống tình dục giữa vợ và chồng, đặc biệt hành vi làm tổn hại đến sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, quyền sinh sản. Tháng 7 năm 2015, Ủy ban CEDAW lưu ý rằng Việt Nam thiếu một điều khoản rõ ràng trong Bộ luật Hình sự về cưỡng hiếp trong hôn nhân. Vì vậy, có thể nói rằng, đây là khoảng trống của pháp luật Việt Nam hiện hành. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến cho không ít người chồng hoặc vợ tự cho mình có quyền thực hiện hành vi tình dục với người còn lại cho dù người đó không muốn. Thực tế hiện nay, những vụ cưỡng hiếp trong hôn nhân cũng vướng khi xử lý do tình dục vốn được coi là một trong yếu tố quan trọng của hôn nhân.