Hạn chế từ quy định của pháp luật
Các quy định về phòng, chống bạo lực gia đình của Nhà nước ta tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử các vụ án liên quan đến bạo lực gia đình vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình áp dụng các quy định của pháp luật, cụ thể như sau:
– Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về các hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy đã xuất hiện nhiều loại hành vi có tính chất bạo lực gia đình chưa được quy định trong Luật, như: hành vi ép buộc mang thai, sinh sớm, sinh dày, sinh nhiều con; ép buộc lựa chọn giới tính thai nhi, ngăn cản không cho sử dụng biện pháp tránh thai…
– Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình” cho đến nay chưa được Tòa án nào áp dụng do trong quá trình giải quyết vụ án, các Toà án không nhận được đơn của nạn nhân bạo lực gia đình hay của người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật mặc dù có đương sự trong một số vụ án đã bị hoặc có nguy cơ bị bạo hành nghiêm trọng. Điều này cho thấy việc quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Bộ luật tố tụng dân sự là phải có đơn thì các Toà án mới được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình” có thể sẽ dẫn đến việc không kịp thời bảo vệ tính mạng, sức khỏe của đối tượng cần được bảo vệ.
Các vướng mắc khác
– Do quan hệ phụ thuộc về kinh tế, tình cảm…nên việc phát hiện, tố giác, xử lý các hành vi liên quan đến bạo lực gia đình thường gặp nhiều khó khăn. Các cơ quan có thẩm quyền không có biện pháp bảo vệ kịp thời người bị xâm hại; công tác thu thập chứng cứ, điều tra, truy tố, xét xử gặp nhiều khó khăn; thời gian giải quyết bị kéo dài, nhiều trường hợp không đủ căn cứ để chứng minh hành vi vi phạm.
– Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự liên quan đến bạo lực gia đình, một số trường hợp người làm chứng không khai đầy đủ, cố ý bao che; hoặc người bị bạo hành xin bảo lãnh tại ngoại, giảm án cho người có hành vi bạo lực gia đình…nên cơ quan tiến hành tố tụng không thể bảo vệ triệt để quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo lực gia đình.
– Các tranh chấp về tài sản trong quá trình giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến bạo lực gia đình thường phức tạp, việc điều tra xác minh tài sản chung vợ chồng rất khó khăn. Nguyên nhân một phần do mâu thuẫn kéo dài nhiều năm, các đương sự sống ly thân, đã tẩu tán tài sản hoặc gây cản trở trong quá trình đo đạc, định giá tài sản, ảnh hưởng tới việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo lực gia đình.
– Trong các vụ án về hôn nhân và gia đình, đương sự có hành vi bạo lực gia đình thường có ý thức pháp luật thấp, có thái độ thách thức pháp luật, không hợp tác dẫn tới kéo dài thời gian giải quyết của Tòa án.