Việc hướng dẫn hoạt động của cơ sở hỗ trợ, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình được quy định tại Điều 6; từ Điều 13 đến Điều 19 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP. Cụ thể hóa một số nhiệm vụ tại Nghị định số 08/2009/NĐ-CP, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 02/2010/TT-BVHTTDL ngày 16 tháng 3 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về thủ tục đăng ký hoạt động, giải thể cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; tiêu chuẩn của nhân viên tư vấn; cấp thẻ nhân viên tư vấn; chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn và tập huấn phòng, chống bạo lực gia đình (nay văn bản hợp nhất số 370/VBHN-BVHTTDL ngày 02/02/2015).
Mặc dù, khung pháp lý hướng dẫn về thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình đã tương đối đầy đủ nhưng đến nay chưa có địa phương nào thành lập được các cơ sở nêu trên theo đúng quy định hiện hành. Nguyên nhân là do:
Thứ nhất: Năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khởi động dự án thí điểm xây dựng cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình bằng nguồn kinh phí của nhà nước và nguồn khác (nếu có) làm mô hình mẫu để triển khai trên diện rộng. Song, dự án không được triển khai do không có kinh phí thực hiện. Tương tự như Trung ương, các địa phương cũng không bố trí được kinh phí để xây dựng và vận hành cơ sở này.
Thứ hai: Đầu tư để xây dựng và vận hành cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ngoài kinh phí đầu tư ban đầu lớn còn phải có kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên. Việc trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình hiện nay không được thu phí (phi lợi nhuận). Các chính sách xã hội hóa chưa thu hút sự tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp trong xây dựng vận hành các cơ sở nói trên.
Đây là một trong số các nguyên nhân khiến nạn nhân bạo lực gia đình không thể tìm kiếm sự trợ giúp, giúp đỡ từ cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà âm thầm chịu đựng bạo lực gia đình trong suốt thời gian dài.