Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của Luật Người khuyết tật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch còn gặp một số khó khăn, hạn chế như:
– Hiện nay, nguồn lực thực hiện công tác người khuyết tật còn rất hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn công việc. Bộ chưa được cấp nguồn kinh phí để thực hiện công tác người khuyết tật mà phải lồng ghép trong các nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị liên quan. Chưa có cán bộ chuyên trách để thực hiện công tác này.
Trong lĩnh vực văn hóa:
+ Tại một số thiết chế văn hóa như bảo tàng, di tích lịch sử – văn hóa, thư viện, nhân viên còn thiếu kỹ năng phục vụ người khuyết tật. Tới nay mới có Thư viện tỉnh Đồng Tháp tuyển dụng 01 nhân viên thư viện cũng là người khiếm thị để phục vụ tại thư viện khiếm thị, phần nào giúp thư viện tiếp cận với nhu cầu của người khiếm thị về tài liệu và kỹ năng sử dụng dịch vụ thư viện.
+ Việc hỗ trợ người khuyết tật hiện nay mới dừng lại ở các thư viện công cộng cấp tỉnh, một số rất nhỏ các thư viện huyện; tại hệ thống thư viện xã hầu như không cung cấp các dịch vụ thư viện cho đối tượng này. Tại các thư viện tỉnh, cũng chỉ có một số các thư viện ở các tỉnh/thành lớn mới có điều kiện thành lập bộ phận phục vụ người khuyết tật và cũng chưa thể đáp ứng được các nhu cầu thông tin của người khuyết tật.
+ Việc tổ chức phục vụ người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn do thiếu những trang thiết bị chuyên dụng. Sách, tài liệu dành cho người khuyết tật, đặc biệt là đối tượng khiếm thị, khiếm thính có giá thành cao hơn các tài liệu khác nhiều lần và không phong phú. Trong khi đó kinh phí bổ sung tài liệu của các thư viện công cộng trong thời gian gần đây không tăng nhiều, điều đó đồng nghĩa với việc các thư viện không có đủ khả năng bổ sung sách báo, tài liệu đặc biệt dành cho đối tượng này. Các thư viện cũng không có khả năng mua sắm các trang thiết bị chuyên dụng phục vụ người khuyết tật. Tất cả chủ yếu vẫn trông chờ vào nguồn hỗ trợ từ các quỹ tài trợ nước ngoài.
+ Thị trường sách báo, tài liệu đặc biệt cho người khuyết tật cũng rất hạn chế do có ít đơn vị sản xuất và cung cấp loại tài liệu này. Việc bổ sung sản phẩm cho người khuyết tật ở các thư viện chủ yếu dựa vào việc tự chuyển dạng tài liệu từ tài liệu in sang các dạng tài liệu khác như sách chữ nổi, sách điện tử… hoặc lấy từ các nguồn miễn phí có sẵn trên mạng internet. Tuy nhiên việc chuyển dạng sản phẩm phục vụ người khuyết tật cũng có khó khăn khi các điều luật sở hữu trí tuệ chưa có những điều khoản riêng hỗ trợ việc thư viện chuyển dạng tài liệu để phục vụ người khuyết tật.
Trong lĩnh vực gia đình:
+ Do thiếu về nguồn lực nên các hoạt động cụ thể trợ giúp người khuyết tật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình và du lịch chưa nhiều, lồng ghép trong các nhiệm vụ chuyên môn khác.
+ Nhận thức của xã hội, gia đình còn hạn chế, chưa thấy được quyền, khả năng và vai trò của người khuyết tật đối với gia đình, cộng đồng.
+ Đời sống kinh tế của đại đa số gia đình người khuyết tật còn nghèo nên chưa lo đủ cho thành viên trong gia đình có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội dành cho người khuyết tật.
Trong lĩnh vực thể dục, thể thao:
+ Chế độ dinh dưỡng đối với huấn luyện viên, vận động viên hiện nay được quy định tại Nghị định 152/2018/NĐ-CP, Nghị định 36/2019/NĐ-CP và Thông tư 86/2020/TT-BTC. Tuy nhiên, trong các văn bản này đều không có quy định chi tiết về đối tượng được hưởng chế độ là huấn luyện viên, vận động viên người khuyết tật, do vậy, một số địa phương khó triển khai thực hiện (chưa có chế độ dinh dưỡng cho HLV, VĐV người khuyết tật tập huấn đội tuyển thể thao quốc gia tham dự các giải thi đấu quốc tế, khu vực và châu lục), do vậy, không có cơ sở để triển khai thực hiện.
+ Cán bộ huấn luyện thể thao ở các môn cho người khuyết tật còn ít; kiến thức về phân loại thương tật cho vận động viên là người khuyết tật cũng hạn chế.
+ Nhiều cơ sở kinh doanh tập luyện thể dục, thể thao còn thiếu thiết bị tập luyện cho người khuyết tật, các trang thiết bị chuyên dùng cho người khuyết tật không đồng bộ và chưa phù hợp cho người khuyết tật tập luyện (do trong nước chưa sản xuất được, giá mua thiết bị tại thị trường nước ngoài quá cao).
Trong lĩnh vực du lịch: Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành chưa quan tâm đến các tour du lịch phục vụ đối tượng khách hàng là người khuyết tật vì phải tăng người hỗ trợ, tăng thời gian, chi phí. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm tham quan du lịch không có dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp đối với người khuyết tật.
– Việc đầu tư hệ thống cơ sở vật chất trợ giúp và tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tuy đã được quan tâm cải thiện, song chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu; nhiều công trình văn hóa, thể thao, du lịch (nhất là các công trình ở các tỉnh, thành vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn kinh tế) chưa có điều kiện đầu tư thỏa đáng để xây mới hoặc sửa chưa các công trình công cộng theo hướng thuận lợi hơn cho người khuyết tật.