Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao, trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa xảy ra 28 vụ bạo lực gia đình, trong đó có 25 vụ bạo lực thân thể và 3 vụ bạo lực tinh thần. Người gây bạo lực gia đình trong các vụ việc đều là nam giới. Số nạn nhân bị bạo lực gia đình được phát hiện, tư vấn pháp lý là 17/28 vụ (tỷ lệ 61%); được tư vấn về sức khỏe là 22/28 người (tỷ lệ 79%); được hỗ trợ, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình 10/28 người (tỷ lệ 36%) và số người gây bạo lực gia đình được phát hiện, tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình là 28/28 người (tỷ lệ 100%).
Năm 2021, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình; xem nội dung phòng, chống bạo lực gia đình là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Tăng cường đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác truyền thông, vận động giáo dục trong toàn xã hội nội dung các văn bản pháp luật, chính sách về phòng chống bạo lực gia đình; tuyên truyền các giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp trong gia đình; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm ở mỗi người dân, trang bị những kiến thức kỹ năng cơ bản về gia đình để mỗi người dân có đủ năng lực chăm lo xây dựng gia đình, tạo sự phát triển bền vững và phù hợp với những tiến bộ của xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có trách nhiệm gương mẫu chăm lo xây dựng gia đình và vận động người dân cùng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình. Xử lý nhanh, hiệu quả các điểm nóng về bạo lực gia đình ở địa phương. Duy trì và nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình và các mô hình khác về phòng, chống bạo lực gia đình; kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân điển hình có đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; tiếp tục triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình…