Ngày 31 tháng 8 năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng Báo cáo số 1819/BC-SVHTT về việc tổng kết 10 năm thực hiện “Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” giai đoạn 2010 – 2020
Trong 10 năm qua, việc thực hiện Đề án giai đoạn 2010 – 2020 đã được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai gắn với thực hiện thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội của cơ quan, đơn vị, tạo sự chuyển biến nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị, đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình; lồng ghép tuyên truyền Đề án vào công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, chương trình xóa đói giảm nghèo, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…bằng nhiều nội dung và hình thức phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Một số hoạt động tiêu biểu cụ thể như sau:
Từ năm 2010 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Văn hóa và Thể thao đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện, đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về nội dung giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình đến đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) ban hành Kế hoạch số 663/KH-SVHTTDL ngày 01/6/2011 phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đài Phát thanh – Truyền hình Khánh Hòa xây dựng kịch bản; thực hiện phóng sự về hoạt động của các Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và Nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình, Gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực; tổ chức thu hình buổi tọa đàm với đại diện là Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Nhà tư vấn tâm lý về lĩnh vực gia đình theo Chủ đề: “Xây dựng Gia đình hạnh phúc” để phát trên sóng phát thanh – truyền hình của địa phương nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6; cấp phát 210 cuốn tài liệu tuyên truyền với nội dung hoạt động quản lý nhà nước về gia đình, công tác phòng, chống bạo lực gia đình cho cơ sở; treo trên 20 băng rôn, khẩu hiệu, 750 cờ phướn tuyên truyền về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức 01 đêm văn nghệ tuyên truyền về hạnh phúc gia đình thu hút trên 200 lượt người dân đến xem; biên tập đăng trên 110 tin, bài tuyên truyền trên trang thông tin điện tử; tổ chức 54 buổi chiếu phim lưu động phục vụ cho 5.964 lượt người xem; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa dàn dựng, biên tập 03 clip phóng sự tuyên truyền về gia đình để phát sóng trên kênh KTV; Phối hợp với Báo Khánh Hòa và Cổng thông tin điện tử của tỉnh đăng trên 48 tin, bài tuyên truyền các hoạt động về công tác gia đình trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Đài phát thanh – Truyền hình Khánh Hòa phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện trên 10 phóng sự, bản tin tuyên truyền về các hoạt động mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tiêu biểu tại địa phương.
Báo Khánh Hòa phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện 106 tin, bài tuyên truyền trên báo in của đơn vị các chủ đề về phong trào xây dựng gia đình văn hóa – phát huy nét đẹp truyền thống của người Việt Nam …
Tạp chí Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện trên 15 tin, bài tuyên truyền với những nội dung về phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở địa phương; sửa đổi, bổ sung quy ước, hương ước là cần thiết để thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở…
Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức Hội nghị biểu dương cho 50 gia đình CNVCLĐ tiêu biểu và giao lưu 20 gia đình thuộc 03 Câu lạc bộ gia đình CNVCLĐ hạnh phúc. Chỉ đạo xây dựng điểm 03 Câu lạc bộ gia đình CNVCLĐ hạnh phúc; đến năm 2018 đã xây dựng mới 57 Câu lạc bộ. Các cấp Công đoàn đã tổ chức 25 hội nghị biểu dương khen thưởng cho 250 gia đình CNVCLĐ tiêu biểu, thực hiện 1.200 buổi truyền thông lồng ghép với các đợt sinh hoạt, hội thao, hội thi, tọa đàm và 216 buổi sinh hoạt chuyên đề về phòng, chống bạo lực gia đình cho gần 210.000 lượt CNVCLĐ.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các cấp Hội Phụ nữ phối hợp với ngành Công an, Tư pháp, Y tế, Văn hóa và Thể thao, Liên đoàn Lao động…tổ chức 168 lớp tập huấn, 473 đợt truyền thông tại cộng đồng cho 44.026 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ về kiến thức, kỹ năng sống, tổ chức cuộc sống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, mối quan hệ, ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; Tổ chức tư vấn, giúp đỡ, hòa giải 61 trường hợp mâu thuẫn gia đình, bạo lực gia đình; đưa 642 tin, bài, phóng sự tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng để phản ánh về hoạt động công tác gia đình, các gương điển hình tiên tiến, gia đình văn hóa tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt và lên ánh những hành vi bạo lực gia đình. Nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11, các cấp Hội phụ nữ đã tổ chức 395 buổi tọa đàm, hội thảo, hội nghị, diễn đàn, giao lưu, gặp mặt, hội thi với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng.
Sở Giáo dục và Đào tạo có 100% đơn vị, trường học trong toàn tỉnh đã thực hiện giảng dạy lồng ghép, tích hợp, liên hệ thực tế có chất lượng các nội dung về giáo dục đời sống gia đình và các môn khoa học xã hội ở các cấp học, bậc học theo quy định; 100% trường học đã niêm yết các văn bản tuyên truyền về nội dung giáo dục đời sống gia đình tại phòng họp của nhà trường.
Sở Tư pháp tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị; đồng thời lồng ghép thông qua hoạt động sinh hoạt “Ngày pháp luật” hàng tháng tại cơ quan. Tổ chức các lớp bồi dưỡng cho hòa giải viên, tuyên truyền viên, già làng, trưởng thôn, cán bộ công chức cấp xã về kiến thức pháp luật liên quan đến gia đình, kỹ năng hòa giải các vụ bạo lực gia đình, từ đó góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 03 cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, các tiểu phẩm tuyên truyền về “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam bằng hình thức sân khấu hóa trong các trường học, nhất là các trường Phổ thông Dân tộc nội trú tại 02 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Phối hợp với các cơ quan, ban ngành: Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa và Thể thao ký kết các Chương trình phối hợp về công tác dân tộc nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.
Ở cấp huyện, theo chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao, Phòng Văn hóa và thông tin cấp huyện đã phối hợp với cơ quan, ban ngành, đoàn thể tham mưu cho UBND cùng cấp ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Đề án bằng cách lồng ghép tuyên truyền trong triển khai nhiệm vụ công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức các hoạt động truyền thông về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tuyên truyền trên hệ thống loa đài ở địa phương; tuyên truyền cổ động trực quan; tổ chức lồng ghép thông qua Hội thi Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; Liên hoan các làng văn hóa; Hội thi gia đình văn hóa – thể thao; tổ chức tọa đàm cho các gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc với chủ đề “Vai trò của phụ nữ trong phòng, chống bạo lực gia đình”; Hội nghị biểu dương khen thưởng các gia đình hạnh phúc. Một số hoạt động tiêu biểu ở cấp huyện như: Thành phố Cam Ranh tổ chức 60 buổi tuyên truyền trực tiếp tại các thôn, tổ dân phố; thực hiện hơn 7.200 lần tuyên truyền trên đài truyền thanh xã, phường; tổ chức 50 cuộc thi lồng ghép nội dung tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống gia đình; đăng 500 tin, bài tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử và 800 cuộc truyền thông bằng các hình thức khác nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11. Thành phố Nha Trang tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” giai đoạn 2016 – 2020; hàng năm tổ chức nói chuyện chuyên đề thu hút hơn 350 lượt người tham dự với nội dung liên quan đến đạo đức, lối sống trong gia đình và nêu gương các hộ gia đình tiêu biểu. Đặc biệt, thành phố Nha Trang đều tổ chức Hội nghị biểu dương khen thưởng cho các gia đình hạnh phúc tiêu biểu nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hàng năm với số tiền hơn 60 triệu đồng/năm. Huyện Khánh Vĩnh thực hiện tuyên truyền 192 câu băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyềnvề chủ đề xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc tại trụ sở cơ quan, trường học, các trục đường chính nơi công cộng, nơi đông dân cư; đăng tải trên 10 tin, bài viết với nội dung tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa và những giá trị của việc thực hiện, xây dựng gia đình hạnh phúc trên Cổng Thông tin điện tử của huyện; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình tiêu biểu cho 20 hộ trên địa bàn xã Khánh Phú. Huyện Diên Khánh tổ chức gặp mặt, giao lưu, tặng 19 xuất quà cho các gia đình tiêu biểu và 33 xuất học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó học giỏi; Tổ chức Hội thi “Cơm ngon, con khỏe” với 20 gia đình tiêu biểu và trên 300 Hội viên phụ nữ tham dự. Hội thi nhằm cung cấp kiến thức dinh dưỡng về ẩm thực giúp các bà mẹ chăm sóc con cái tốt hơn, góp phần xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Huyện Cam Lâm lồng ghép nội dung tuyên truyền nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình vào các cuộc họp, buổi sinh hoạt thôn, tổ dân phố, sinh hoạt của các Câu lạc bộ gia đình (Câu lạc bộ Ông – Bà – cháu; Câu lạc bộ Thơ; Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững…), các buổi sinh hoạt ngoại khóa của trường học, các tổ chức tôn giáo…; Tuyên truyền trên hệ thống Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện, xã, Cổng thông tin điện tử huyện 1.365 tin, 350 bài về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6.
Về khó khăn, hạn chế: Hoạt động tuyên truyền ở một số địa phương còn mang tính thời vụ, chưa thường xuyên, nội dung tuyên truyền trong sinh hoạt chưa đa dạng và phong phú nên hiệu quả chưa cao, ít thu hút được người tham gia. Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình ở các cấp còn thiếu. Cán bộ làm công tác gia đình ở cấp huyện, cấp xã hầu như chỉ có cán bộ kiêm nhiệm về công tác gia đình, nhân sự thường xuyên thay đổi nên công tác tham mưu, triển khai các hoạt động tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn. Ngân sách chi cho hoạt động của Đề án chưa được bố trí riêng, hiện còn lồng ghép vào trong ngân sách chi cho hoạt động của công tác gia đình, nguồn kinh phí xã hội hóa từ các mạnh thường quân còn hết sức hạn chế, do vậy ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả triển khai thực hiện. Ở một số địa phương, kiến thức của các bậc phụ huynh còn hạn chế nên chưa nhận thức được trách nhiệm của gia đình, việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình nên công tác truyền thông, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Đề án còn gặp nhiều khó khăn; tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra; tỷ lệ ly hôn còn ở mức cao.