Xâm hại trẻ em là bất cứ hành động có chủ ý và làm tổn thương hoặc gây nguy hại cho trẻ em. Trẻ em bị xâm hại dưới nhiều hình thức khác nhau song có bốn hình thức chính: Thể chất; Tình dục; Tinh thần và Xao nhãng. Trẻ em có thể bị xâm hại bởi nhiều hình thức khác nhau trong cùng một thời điểm.
Giai đoạn 2011-2014, Việt Nam có 7.211 trẻ em bị xâm hại. Trong đó có khoảng 5.300 vụ việc xâm hại tình dục, chủ yếu là với trẻ em gái.
Tính từ ngày 1/1/2015 đến 30/6/2019, toàn quốc có 8.091 trẻ em bị xâm hại (1.059 nam; 7.032 nữ). Hình thức phổ biến nhất là xâm hại tình dục: 6.337 vụ, 6.432 trẻ em bị xâm hại, chiếm 73,85% tổng số trẻ em bị xâm hại và 81,3% các vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận, xử lý. Các hình thức xâm hại tình dục trẻ em chủ yếu là hiếp dâm, dâm ô, giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.
Trong giai đoạn 2015-2019, có 857 trẻ em bị các hình thức bạo lực (giết trẻ em: 191 trẻ, cố ý gây thương tích: 666 trẻ), chiếm 9,84% tổng số trẻ em bị xâm hại. Mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt có 106 trẻ em, chiếm 1,22% tổng số trẻ em bị xâm hại. Ngoài số trẻ em bị xâm hại bởi các hình thức nêu trên còn có 790.518 trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động; 156.932 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và khoảng 13.489 trẻ em 15 tuổi tảo hôn.
Tính riêng năm 2016, cả nước có 1.724 trẻ em bị xâm hại, năm 2017 con số này giảm còn 1.624. Số lượng trẻ em bị xâm hại cao nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiếp theo là 2 vùng đông nam bộ và trung du miền núi phía Bắc, thấp nhất là vùng tây nguyên
Năm 2017 số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em được can thiệp, xử lý tuy giảm so với năm 2016 nhưng số trẻ em là nạn nhân xâm hại tình dục lại tăng. Điều này cho thấy một trẻ em có thể bị bạo lực, xâm hại nhiều lần trong một thời gian hoặc một thủ phạm xâm hại nhiều trẻ em. Trẻ em bị xâm hại chủ yếu là nữ, chiếm 78,9% năm 2016 và 92,4% năm 2017. Đa số trẻ em bị xâm hại ở độ tuổi 13 đến dưới 16 tuổi. Xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ cao trong các tội danh: 67% và 85% tương ứng trong 2 năm 2016 và 2017 .
Đây là những số liệu thống kê những vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý và thống kê. Trên thực tế, số vụ xâm hại trẻ em có thể cao hơn nhiều. Theo trả lời chất vấn của ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vào chiều ngày 5/6/2018 tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, cả nước mỗi năm có hơn 2.000 vụ bạo hành trẻ em. Các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng.