Quyền tham gia là một trong 4 nhóm quyền cơ bản của trẻ em được quy định tại Luật trẻ em 2016. Quyền tham gia giúp trẻ em đóng vai trò chủ động và tích cực trong cuộc sống của mình. Thực hiện quyền tham gia của trẻ em là thực hiện quyền con người, quyền công dân mà Hiến pháp năm 2013 Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 37, thực hiện một số quyền của trẻ em theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, Luật trẻ em năm 2016, Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Quyền tham gia của trẻ em bao gồm quyền được tiếp cận thông tin phù hợp lứa tuổi, được kiến nghị, bày tỏ ý kiến, quan điểm riêng của mình về các vấn đề về trẻ em; quyền được người lớn lắng nghe và phản hồi các kiến nghị, ý kiến của mình; quyền được tham gia vào quá trình ra quyết định; quyền được kết giao, được thành lập hoặc tham gia các nhóm, hiệp hội và tham gia các hoạt động xã hội lành mạnh, phù hợp.
Sự tham gia của trẻ em là việc trẻ em được tiếp cận thông tin, được bày tỏ ý kiến, được lắng nghe, được tôn trọng, được kết giao, được thành lập hoặc tham gia các nhóm và hiệp hội, được bàn bạc và quyết định… trong mọi vấn đề có liên quan đến bản thân trẻ.
Vậy tại sao trẻ em thực hiện quyền tham gia, có các kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em lại có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em? Hiểu một cách đơn giản, khi một đứa trẻ có những kỹ năng để trình bày ý kiến, suy nghĩ của mình, tham gia đóng góp vào các hoạt động liên quan đến trẻ em, được tiếp cận thông tin phù hợp lứa tuổi thì sẽ dễ dàng tiếp cận những kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại cho bản thân. Có kỹ năng thực hiện quyền tham gia, trẻ sẽ năng động, có vốn kiến thức sâu rộng hơn về cuộc sống, có thể dễ dàng trình bày ý kiến của mình một cách thuyết phục. Vì thế dù không phải là những kỹ năng hay kiến thức trực tiếp nhưng kỹ năng về thực hiện quyền tham gia tạo cơ sở, tiền đề vững chắc cho trẻ phòng, chống xâm hại.