Truyền thống, theo nghĩa chung được hiểu là những hiện tượng văn hóa – xã hội, bao gồm tư tưởng tình cảm, tập quán, thói quen, phong tục, lối sống, cách ứng xử được hình thành trong những điều kiện lịch sử nhất định, được bảo tồn qua năm tháng trong đời sống vật chất và tinh thần của các cộng đồng xã hội khác nhau và có thể chuyển giao từ thế hệ này qua thế hệ khác. Khi điều kiện lịch sử thay đổi, truyền thống cũng có những chuyển biến nhất định chứ không phải là bất biến, vĩnh cửu trong mọi thời đại.
Hơn nữa, truyền thống thường có tính hai mặt đối với những cộng đồng khác nhau tùy theo hoàn cảnh khác nhau: “Một là, truyền thống góp phần suy tôn, gìn giữ những gì là quý giá, là cốt cách, là nền tảng cho sự phát triển, cho sự vận động đi lên của cộng đồng của dân tộc… Từ mặt này, thì truyền thống mang ý nghĩa giá trị tích cực, là cái góp phần tạo nên chỗ dựa không thể thiếu của dân tộc trên con đường tới tương lai. Hai là, truyền thống đồng thời cũng còn là mảnh đất hết sức thuận lợi cho sự dung dưỡng, duy trì và làm sống lại mặt bảo thủ, lạc hậu, lỗi thời khi mà điều kiện và hoàn cảnh lịch sử đã thay đổi. Mặt thứ hai này có tác dụng không nhỏ trong việc kìm hãm, níu kéo, làm chậm sự phát triển của một quốc gia, một dân tộc nào đó”. Như vậy, có những truyền thống mang giá trị tích cực, thúc đẩy xã hội phát triển nhưng có những truyền thống trở thành nhân tố cản trở sự phát triển của xã hội cần hạn chế, xoá bỏ
“Giá trị truyền thống chính là kết tinh tất cả những gì tốt đẹp nhất qua các thời đại lịch sử khác nhau của dân tộc để làm nên bản sắc riêng. Nó được truyền lại cho các thế hệ sau và cùng với thời gian, cùng với sự tiến triển của lịch sử sẽ được bổ sung bằng các giá trị mới”.
Theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014, gia đình là sự liên kết của nhiều người dựa trên cơ sở hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, những người này có các quyền và nghĩa vụ với nhau, cùng nhau xây dựng gia đình, nuôi dạy thế hệ trẻ và chăm sóc người cao tuổi dưới sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.