Theo từ điển Cambridge, làm cha mẹ là việc nuôi dạy con cái và tất cả những trách nhiệm và hoạt động liên quan. Việc nuôi dạy này đặc biệt bao gồm chăm sóc, yêu thương và sự hướng dẫn của cha mẹ đối với trẻ (Virasiri, Yunibhand, & Chaiyawat, 2011). Hoghughi và Long (2004) cho rằng làm cha mẹ là một hoạt động nuôi dưỡng tích cực, có mục đích nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng (phúc lợi – welfare) của trẻ hoặc đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của trẻ, chứ không phải là mối quan hệ sinh học đơn thuần. Nó bao gồm nhiều phương pháp, kỹ thuật và những hoạt động khác được sử dụng hoặc yêu cầu trong việc nuôi dưỡng con cái. Làm cha mẹ là một quá trình nuôi dạy và giáo dục một đứa trẻ từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành (Virasiri, Yunibhand, & Chaiyawat, 2011). Một số nghiên cứu, như Bmy Chan (Chan) cho rằng làm cha mẹ là một quá trình phát triển và sử dụng những kiến thức và kỹ năng phù hợp để lập kế hoạch, thụ thai và sinh con, nuôi dưỡng và/hoặc chăm sóc con cái. Điều này ngụ ý rằng việc làm cha mẹ không phải đến khi có con mới bắt đầu được thực hiện, mà kể từ khi lên kế hoạch, chuẩn bị cho việc mang thai và sinh con. Đây cũng là quan điểm của UNESCO (2015) trong tài liệu hướng dẫn làm cha mẹ, đã dành riêng một chương để nói về những kiến thức cần chú ý trong quá trình mang thai và sinh nở.
Như vậy, có thể thấy rằng việc cha mẹ thực hiện tốt công việc làm cha mẹ sẽ có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của con cái. Vì thế, giáo dục làm cha mẹ là điều cần thiết nhằm giúp các bậc phụ huynh thực hiện nuôi dạy con cái hiệu quả hơn, với niềm tin là có thể giúp cha mẹ thực hiện trách nhiệm của mình hiệu quả hơn thông qua đào tạo và giáo dục . Theo Mahoney (1999), giáo dục làm cha mẹ là việc cung cấp kiến thức và kỹ năng cụ thể cho cha mẹ và những người chăm sóc khác, với mục tiêu tăng cường sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Mạng lưới Family Literacy Support Network (2013) khẳng định sự phát triển của con cái bao gồm các khía cạnh: Xã hội, cảm xúc, nhận thức và thể chất và để thực hiện điều này, cần giáo dục làm cha mẹ thông qua việc trao quyền cho cha mẹ về năng lực và sự tự tin cần thiết để nuôi dưỡng mối quan hệ lành mạnh giữa cha mẹ và con cái cũng như hỗ trợ sự phát triển của con cái họ. Trong nghiên cứu tổng hợp của Stolz (2011), giáo dục làm cha mẹ không chỉ là việc dạy cha mẹ hiểu về con cái và sự phát triển của chúng, cách thức hướng dẫn, nuôidưỡng cũng như truyền cảm hứng cho trẻ để có sự phát triển tốt, mà giáo dục làm cha mẹ còn bao gồm cả việc dạy cha mẹ cách thức tự chăm sóc bản thân và quản lý các nguồn lực xung quanh, tìm kiếm sự giúp đỡ để hỗ trợ cho việc giáo dục và nuôi dạy con cái.
Quản lý các nguồn lực cũng là một khía cạnh trong giáo dục làm cha mẹ mà UCLA Center (Zepeda, Varela, & Morales, 2014) cho rằng cần thiết. Theo tổ chức này, giáo dục làm cha mẹ rất gần với hỗ trợ làm cha mẹ, trong đó mục tiêu của hỗ trợ làm cha mẹ là giúp cha mẹ và những người chăm sóc chính khác có thể phát triển và tận dụng các nguồn lực vật chất và tinh thần sẵn có để giúp gia đình và bản thân họ. Chính vì vậy, kỹ năng lãnh đạo và vận động các nguồn lực của cộng đồng và xây dựng các mối quan hệ giữa gia đình – nhà trường – cộng đồng trong việc cùng thúc đẩy sự phát triển của trẻ em cũng là điều cần được quan tâm trong giáo dục làm cha mẹ (Stolz, 2011)(Zepeda, Varela, & Morales, 2014).
Tựu chung lại, giáo dục làm cha mẹ là hướng đến việc hỗ trợ cha mẹ có kiến thức, thái độ, kỹ năng về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ theo từng độ tuổi của trẻ.