Khái niệm bạo lực gia đình (BLGĐ) được quy định tại Khoản 2 Điều 1 Luật PCBLGĐ đã đề cập đến hành vi tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại nhưng chưa quy định những loại hành vi nào là hành vi gây tổn hại và những hành vi nào có khả năng gây tổn hại. Vì vậy, rất khó để chính quyền cơ sở xác định chính xác vụ việc bạo lực gia đình để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, việc xác định biện pháp xử lý khi hành vi BLGĐ chưa đến mức xử phạt hành chính, hình sự cũng chưa được đề cập. Vì thực tế, BLGĐ xảy ra ở nhiều cấp độ khác nhau nên cần có quy định hành vi BLGĐ ở mức độ nào thì cần sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền. Ở các địa phương, thông thường chỉ những hành vi ở mức độ nghiêm trọng mới được coi là BLGĐ. Vì vậy, báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã về BLGĐ thường rất ít (số liệu trong báo cáo Tổng kết 12 năm thi hành Luật PCBLGĐ). Cụ thể hóa khái niệm BLGĐ để xây dựng thành các chỉ báo đánh giá, đo lường về tình hình BLGĐ, các nhà khoa học ước tính, Việt Nam có khoảng 30% hộ gia đình có ít nhất 1 hành vi BLGĐ trong năm. Suy rộng ra, mỗi năm Việt Nam có hơn 8 triệu hộ gia đình có ít nhất một hành vi BLGĐ. Số liệu điều tra quốc gia về BLGĐ với phụ nữ được công bố năm 2010 và điều tra lần 2 được công bố năm 2020 cho thấy, BLGĐ chưa rõ xu hướng tăng, giảm sau hơn 10 năm triển khai. Song, số liệu thống kê của các tỉnh, thành thì theo xu hướng giảm dần, năm sau thấp hơn năm trước.
Để có cơ sở xác định rõ thực trạng BLGĐ ở Việt Nam từ đó ban hành những chính sách cụ thể nhằm bảo vệ, chăm sóc hỗ trợ nạn nhân BLGĐ; áp dụng những chính sách phù hợp nhằm xử lý người gây BLGĐ đảm bảo tính răn đe và hỗ trợ sau xử lý hành chính hoặc hình sự nhằm phòng ngừa nguy cơ tái diễn. Luật cần có quy định rõ những hành vi gây tổn hại, những hành vi có khả năng gây tổn hại, xác định mức độ của hành vi và cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi BLGĐ để khuyến nghị các cơ quan có liên quan áp dụng các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ và xử lý người có hành vi BLGĐ. Ngoài ra, thực tế rất đa dạng và còn nhiều vấn đề phát sinh, cần định nghĩa rõ như: bạo lực trên cơ sở giới; trục lợi từ PCBLGĐ; hỗ trợ khần cấp trong công tác PCBLGĐ; hộ gia đình;… đó là cơ sở pháp lý để triển khai thi hành Luật PCBLGĐ có hiệu quả hơn và phù hợp xu thế ban hành pháp luật hiện hành và thống nhất trong pháp luật.