Công tác phòng, chống bạo lực gia đình có liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức. Thực tế trong Luật hiện hành cũng đã dành 12 điều để quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình. Quá trình thực hiện, các cơ quan đã phát huy vai trò, trách nhiệm thực hiện Luật, tuy nhiên, sự liên kết giữa các cơ quan, tổ chức chưa được đề cập dẫn đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình còn mang tính manh mún, thiếu đồng bộ. Công tác phối hợp liên ngành cũng chưa đồng bộ từ trung ương đến cơ sở do chưa có quy định bảo đảm tính thống nhất. Hiện nay, tại các địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có ban chỉ đạo công tác gia đình trong đó có thực hiện việc phòng, chống bạo lực gia đình nhưng ở trung ương lại không có ban chỉ đạo này. Các địa phương ngoài thực hiện quản lý theo nhiệm vụ được giao còn thực hiện theo hướng dẫn của ngành dọc, việc trung ương không có sự thống nhất trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình dẫn đến việc thiếu đồng bộ trong việc hướng dẫn triển khai công tác này. Ví dụ, công tác thống kê về bạo lực gia đình hiện nay được thực hiện hằng năm, có nhiều cơ quan tham gia báo cáo nhưng số liệu báo cáo chưa liên thông giữa các cơ quan với nhau dẫn đến sự không thống nhất, không đồng bộ về số liệu báo cáo. Luật hiện hành chưa quy định rõ vai trò điều phối về phòng, chống bạo lực gia đình của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này.
Điều kiện bảo đảm là vấn đề then chốt quyết định đến việc triển khai và thi hành pháp luật. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành tuy có đề cập đến nguồn lực triển khai nhưng còn quy định chung chung nên gây khó khăn trong quá trình thực hiện Luật. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng và các cơ quan tổ chức nói chung là một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm việc thực thi Luật ngay sau khi được ban hành. Tuy nhiên, Luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm cũng như biện pháp xử lý đối với người đứng đầu không thực hiện đúng, đủ trách nhiệm của mình trong phòng, chống bạo lực gia đình. Các thôn, tổ dân phố đóng vai trò rất quan trọng trong thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Thực tế hiện nay, hầu hết các vụ bạo lực gia đình đều diễn ra trong cộng đồng dân cư, nên lực lượng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình cần phải thiết lập ở cộng đồng dân cư để nâng cao tính chủ động, phòng ngừa trong phòng, chống bạo lực gia đình. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành chưa có giải pháp căn cốt về nguồn nhân lực thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng.
Kết quả sau gần 15 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho thấy, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình bố trí kinh phí chưa đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình, việc bố trí kinh phí mang tính lồng ghép dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất trong thực thi pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Tổng hợp chung từ các tỉnh, thành và cơ quan trung ương hiện nay, kinh phí chi cho công tác gia đình trong đó có nội dung phòng, chống bạo lực gia đình chiếm khoảng 0,5% tổng kinh phí chi cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Tương tự như vậy, tổ chức bộ máy tham mưu về công tác gia đình trong đó có phòng, chống bạo lực gia đình cũng chưa đảm bảo để tham mưu cho cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.