Xã hội hóa là một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước ta khuyến khích nhằm phát huy nguồn lực xã hội tham gia thúc đẩy phát triển xã hội. Công tác phòng, chống bạo lực gia đình xã hội hóa hiện nay tập trung ở xã hội hóa về kinh phí cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình và xã hội hóa nhân lực tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Sau gần 15 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, việc triển khai thi hành Luật gặp khó khăn cả về kinh phí và nhân lực do nguồn ngân sách nhà nước bố trí chưa đảm bảo, không có đội ngũ cán bộ tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình đặc biệt là phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành tuy đề cập đến xã hội hóa nhưng còn mang tính nguyên tắc chưa có quy định cụ thể dẫn đến khó áp dụng thi hành.
Cụ thể, khoản 5 Điều 6 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định “Người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình mà có thành tích thì được khen thưởng, nếu bị thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng và tài sản thì được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật”. Mặc dù có quy định nêu trên nhưng thực tiễn sau gần 15 năm thi hành Luật việc áp dụng chính sách này gặp không ít khó khăn. Việc khen thưởng đối với người hưởng lương từ ngân sách nhà nước được thực hiện trong bình xét thi đua công tác năm. Tập thể, cá nhân ngoài ngân sách chỉ khen thưởng vào những dịp tổng kết chương trình, đề án, dự án nhưng số lượng khen thưởng cũng hạn chế. Với những tổ chức, cá nhân không sử dụng ngân sách nhà nước chỉ cần tự nguyện tham gia phòng, chống bạo lực gia đình cũng rất cần được biểu dương, khen thưởng. Nhưng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chưa có quy định đặc thù này dẫn đến chưa khích lệ được tổ chức, cá nhân tham gia. Bên cạnh việc biểu dương, khen thưởng thì việc hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình bị tổn hại về sức khỏe, thiệt hại về tài sản cũng chưa được thực hiện. Thời gian qua, một số trường hợp khi chứng kiến hành vi bạo lực gia đình đã thực hiện can ngăn và bị người có hành vi bạo lực gia đình gây thương tích, thậm chí có trường hợp đã bị chết nhưng việc áp dụng chính sách để hỗ trợ cho những trường hợp này gặp khó khăn.
Thực tiễn, thời gian qua một số cá nhân, tổ chức xã hội có đã đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng. Việc khuyến khích sự tham gia của cá nhân, tổ chức này sẽ bổ sung nguồn lực rất lớn cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Nhưng Luật hiện hành chưa có quy định sự tham gia của cá nhân và tổ chức ngoài ngân sách nhà nước với công tác phòng, chống bạo lực gia đình.