Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã bổ sung một số nội dung sau: giải thích khái niệm các cụm từ được sử dụng trong Luật để đảm bảo thống nhất cách hiểu; các biện pháp phòng, ngừa mang tính chủ động theo các cấp độ để đảm nguyên tắc lấy phòng để chống, coi việc xử lý, hỗ trợ người có hành vi bạo lực gia đình cũng là biện pháp để ngăn ngừa bạo lực gia đình tái diễn; làm rõ tính đặc thù của hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng ngừa bạo lực gia đình từ sớm.
Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”. Các quy định trong Luật PCBLGĐ 2007 chưa thể hiện đầy đủ tinh thần của Hiến pháp 2013, vì vậy, cần phải sửa đổi và tiếp cận xây dựng Luật theo hướng lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm. Các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay cũng chưa bảo đảm tính kịp thời để bảo vệ người bị bạo lực gia đình, chấm dứt hành vi bạo lực gia đình, giảm thiểu hậu quả do hành vi bạo lực gây ra.
Bảo đảm quyền con người trong đó các quyền cơ bản như quyền được sống, được sống an toàn, được bảo vệ là nhiệm vụ cần phải được cụ thể hóa trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Việc cứu người trong trường hợp cấp thiết phải được ưu tiên, nhưng Luật hiện hành chưa có quy định cụ thể người có thẩm quyền được phép thực hiện biện pháp phù hợp để giải cứu người bị bạo lực gia đình như vào nhà mà không cần được phép của chủ nhà; được phá khóa cửa thậm chí là phá cửa để vào nhà trong trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình cố tình không mở cửa cho người có thẩm quyền vào nhà.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành quy định dành 1 chương (Chương V) có 3 điều để quy định về xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực và khiếu nại, tố cáo. Trong đó có 2 trong số 3 điều quy định tại chương này chưa thể hiện tính đặc thù so với Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Mặt khác, Chương xử lý vi phạm chưa có những quy định để xử lý trường hợp hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Thực tế cho thấy, trong mối quan hệ gia đình việc xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ giải quyết được việc xử lý hành vi bạo lực mà không làm tăng chất lượng mối quan hệ gia đình, làm giảm mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình. Các nghiên cứu về bạo lực gia đình đã xác định bạo lực gia đình có tính lặp lại, là quá trình học hỏi và có diễn tiến hành vi bạo lực sau có tính chất thường xuyên và nghiêm trọng hơn hành vi bạo lực trước đó. Vì vậy, việc quản lý người có hành vi bạo lực gia đình sau khi bị xử lý hành chính hoặc chấp hành xong thời hạn phạt tù là biện pháp quan trọng vừa để hỗ trợ người có hành vi bạo lực gia đình tái hòa nhập cộng đồng, gia đình, vừa để hỗ trợ người có hành vi bạo lực gia đình thay đổi hành vi bạo lực gia đình. Đây là vấn đề mang tính phòng ngừa bền vững nhưng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành chưa quy định vấn đề này. Mặt khác, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành cũng chưa có những biện pháp để giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình để thay đổi hành vi bạo lực cũng như hỗ trợ giải quyết các nguyên nhân thúc đẩy hành vi bạo lực gia đình hỗ trợ kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực, hỗ trợ cai nghiện rượu, bia, ma túy, các chất gây nghiện khác, tình trạng cờ bạc, nghiện game bạo lực, …
Việc phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình quy định tại Luật hiện hành chưa làm rõ nội dung về trách nhiệm xác minh, xử lý tin báo về vụ việc bạo lực gia đình. Thực tiễn cho thấy đây là một bước rất quan trọng, ảnh hưởng tính kịp thời và hiệu quả của việc ngăn chặn, xử lý vụ việc bạo lực gia đình. Do vậy, cần có quy định cụ thể hơn về phát hiện, báo tin, đặc biệt là cần phải thiết lập một đường dây nóng để tiếp nhận tin báo về bạo lực gia đình. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn đã có lực lượng công an chính quy thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại ở cơ sở, bạo lực gia đình cũng là vấn đề cần có sự tham gia mạnh mẽ của công an cấp xã trong việc ngăn chặn, bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý người có hành vi bạo lực gia đình. Luật hiện hành chưa quy định rõ về thẩm quyền và trách nhiệm của công an cấp xã trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, xác minh và xử lý hành vi bạo lực gia đình.