Ngày 17 tháng 8 năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo số 317-BC/SVHTTDL về việc sơ kết 05 năm thực hiện Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL quy định việc thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
Tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên 13.125 km2, có 73 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mundulkiri, Vương quốc Cammpuchia, dân số hơn 1,9 triệu người, có 454.784 hộ gia đình, phân bố ở 13 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố, với 184 xã, phường, thị trấn; có 2.199 thôn, buôn, tổ dân phố; 02 huyện biên giới và 50 xã vùng 3 đặc biệt khó khăn; phụ nữ chiếm gần 50% dân số, có 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó các dân tộc thiểu số có 667.322 khẩu, chiếm khoảng 35,7% dân số của tỉnh. Có 184 công chức văn hóa xã, phường, thị trấn kiêm nhiệm công tác gia đình và thực hiện việc thu thập, thống kê các chỉ số về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định tại Thông tư 07.
Cùng với việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế – xã hội trong thời gian qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đắk Lắk đã thường xuyên quan tâm đến công tác gia đình, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh. Vì vậy, đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình ngày càng được nâng cao. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh luôn chủ động quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến toàn thể Nhân dân.
Tuy nhiên, hiện nay công tác gia đình nói chung, công tác thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, văn bản hướng dẫn có liên quan chưa được thường xuyên và sâu rộng; cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa thực sự quan tâm tới công tác gia đình; sự phối hợp của các sở, ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện công tác gia đình chưa sâu sát, kịp thời; chưa bố trí được cán bộ chuyên trách cho công tác gia đình ở địa phương; mặt khác tình hình dịch Covid-19 còn tiềm ẩn phức tạp, kéo dài cho nên tình trạng thất nghiệp, mất việc làm, đời sống kinh tế khó khăn dẫn đến nguy cơ bạo lực gia đình có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, cán bộ theo dõi, nắm bắt thông tin, bám sát địa bàn không thường xuyên, liên tục và ở các thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh chưa có đội ngũ cộng tác viên làm công tác gia đình; vì vậy, việc báo cáo số liệu về gia đình và bạo lực gia đình chưa kịp thời, chuẩn xác, mang tính ước lệ, thiếu trung thực …
Căn cứ Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 30/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển các cấp; các tỉnh đang tham mưu văn bản sáp nhập 03 đối tượng cộng tác viên của 03 ngành thành một đối tượng cộng tác viên tại cơ sở và gọi chung là Cộng tác viên làm công tác dân số, gia đình và trẻ em tại các thôn, buôn, tổ dân phố; do vậy, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu lồng ghép ban hành sổ ghi chép các thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cấp thôn, buôn, tổ dân phố theo hướng tổng hợp các thông tin về dân số, gia đình và trẻ em.