Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa đã có Văn bản số 1897/BC-SVHTT về tình hình thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố đã tham mưu UBND cùng cấp trong việc lựa chọn thí điểm tối thiểu 02 địa bàn cấp xã mang đặc trưng văn hóa nông thôn và đô thị (đồng bằng và miền núi), có sự đa dạng về thành phần dân tộc, tôn giáo, các loại hình gia đình để triển khai thí điểm Bộ tiêu chí. Mỗi địa bàn cấp xã chọn 02 câu lạc bộ về gia đình để thí điểm đối với các gia đình là thành viên của câu lạc bộ (Ưu tiên chọn các xã đã triển khai thực hiện Mô hình điểm “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” giai đoạn 2016 – 2020). Cụ thể, Thành phố Nha Trang: lựa chọn 03 đơn vị cấp xã thực hiện thí điểm; Thành phố Cam Ranh, Thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh: mỗi đơn vị cấp huyện lựa chọn 02 đơn vị cấp xã thực hiện thí điểm; huyện Cam Lâm lựa chọn 04 xã thực hiện thí điểm; huyện Khánh Vĩnh lựa chọn thí điểm ở 03 đơn vị cấp xã, huyện Khánh Sơn mỗi xã, thị trấn lựa chọn 01 đơn vị thực hiện thí điểm.
UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức của người dân tại địa bàn triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, tổ chức các hoạt động đăng ký, vận động các hộ gia đình thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Từ Quý I/2019, mỗi đơn vị cấp huyện lựa chọn trên địa bàn từ 04 đến 07 câu lạc bộ về gia đình để triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Theo thống kê, có tổng số 19.570 hộ gia đình đăng ký thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.Trong đó, số hộ gia đình 1 thế hệ là 5.672 hộ gia đình, hộ gia đình 2 thế hệ là 5.920 hộ và 3.221 hộ gia đình 3 thế hệ. Trên cơ sở đăng ký, 100% số hộ gia đình đã thực hiện và đánh giá việc thực hiện tiêu chí ứng xử trong gia đình là cần thiết. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền cũng được chú trọng, tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền cổ động trực quan, băng rôn, pano, áp phích, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng. Lồng ghép việc thực hiện Bộ tiêu chí với các hoạt động sinh hoạt thường xuyên của Câu lạc bộ gia đình, mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, mô hình gia đình phát triển bền vững, câu lạc bộ gia đình văn hóa. Nội dung tuyên truyền về kỹ năng ứng xử trong gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc; các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong gia đình; gương chung thủy, hiếu nghĩa, yêu thương, chia sẻ…giữa các thành viên trong gia đình; chính sách, pháp luật quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của gia đình, các thành viên trong gia đình; phê phán các hành vi vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Người cao tuổi và các văn bản liên quan khác. Tập trung lồng ghép tuyên truyền cao điểm vào các dịp Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6) hàng năm.
Việc thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời. Nhờ vậy mà công tác thông tin, tuyên truyền đã đạt được một số kết quả nhất định, đã triển khai sâu rộng đến tầng lớp nhân dân, qua
đó nhân dân trên địa bàn cơ bản đã nắm rõ nội dung, ý nghĩa, mục đích của việc
thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình và cam kết thực hiện. Từ đó đã góp
phần thay đổi nhận thức, có sự điều chỉnh về hành động, cách ứng xử giữa các
thành viên trong gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, đẩy lùi tệ nạn xã hội. Góp phần củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm,
trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước,
gìn giữ hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh
cho toàn xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được việc triển khai Bộ tiêu chí còn những tồn tại, hạn chế như nhận thức của một bộ phận nhân dân chưa đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện Bộ Tiêu chí đối với việc xây dựng hạnh phúc gia đình và xã hội; lối sống bảo thủ, coi thường các giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí. Một bộ phận thành viên đăng ký, thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình còn mang tính hình thức. Sự phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện Bộ Tiêu
chí ứng xử trong gia đình của các cấp có lúc chưa thường xuyên. Kinh phí chi cho hoạt động thực hiện Bộ tiêu chí còn hạn chế, do được trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp chi cho công tác gia đình hàng năm. Vì vậy, hoạt động chủ yếu là lồng ghép triển khai tuyên truyền Bộ tiêu chí với thực hiện nhiệm vụ chung của công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình. Công chức Văn hóa – xã hội cấp xã kiêm nhiệm phụ trách theo dõi việc thực hiện Bộ tiêu chí chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, từ đó ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai, thực hiện các nhiệm vụ về công tác gia đình.