Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh đã có Văn bản số 92/BC-SVHTTDL về tình hình thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Hà Tĩnh tuy không phải là địa phương nằm trong 12 tỉnh, thành được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn làm thí điểm, nhưng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” trên địa bàn tỉnh tại thôn Kim Tân (xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà) và tổ dân phố Trần Phú (thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên) triển khai thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”. Trên mỗi địa bàn đã lựa chọn 100 hộ gia đình tham gia thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí, các hộ được lựa chọn có sự đa dạng về các loại hình gia đình, tuổi tác, trình độ học vấn, nghề nghiệp…. nhằm mục đích triển khai đa dạng các hình thức truyền thông, truyền tải các thông điệp tuyên truyền khác nhau đến từng nhóm đối tượng phù hợp nhằm đánh giá hiệu quả của Bộ Tiêu chí.
Sau khi được phổ biến về nội dung, mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình, cán bộ và nhân dân trên địa bàn thí điểm nhận thức rõ được vai trò quan trọng của Bộ Tiêu chí ứng xử trong việc xây dựng và gìn giữ hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và tham gia đăng ký thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình, góp phần quan trọng cho việc thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra. 200/200 đại biểu đại diện hộ gia đình đăng ký thực hiện Bộ Tiêu chí (100%), trong đó: 60/200 đại biểu đại diện hộ gia đình đăng ký thực hiện tiêu chí ứng xử vợ chồng (tỷ lệ 30%); 60/200 đại biểu đại diện hộ gia đình đăng ký thực hiện tiêu chí ứng xử cha mẹ với con, ông bà với cháu (tỷ lệ 30%); 60/200 đại biểu đại diện hộ gia đình đăng ký thực hiện tiêu chí ứng xử con với cha mẹ, cháu với ông bà (tỷ lệ 30%); 40/200 đại biểu đại diện hộ gia đình đăng ký thực hiện tiêu chí ứng xử của anh, chị, em (tỷ lệ 10%).
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch biên soạn tài liệu tuyên truyền về Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình, chỉ đạo, hướng dẫn UBND xã Tân Lộc (huyện Lộc Hà) và thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên) tổ chức tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh cơ sở. Tài liệu tuyên truyền được biên soạn bám sát nội dung Tài liệu hướng dẫn thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Mỗi xã, phường được lựa chọn thí điểm đã thực hiện 100 buổi phát thanh tuyên truyền thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình, duy trì đều đặn mỗi tuần từ 8-10 buổi đã phát huy được hiệu quả quan trọng, thiết thực, là kênh thông tin quan trọng, trực tiếp truyền tải những thông tin cần thiết về việc thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình đến với toàn thể nhân dân trên địa bàn được lựa chọn thí điểm.
Tuyên truyền trực quan tại các trục đường chính, trung tâm địa bàn xã, phường nhằm tuyên truyền tới đông đảo nhân dân trên địa bàn thí điểm với các thông điệp, những hình ảnh sinh động, hấp dẫn, dễ nhớ, tạo hiệu ứng nhanh, thu hút được sự quan tâm của nhân dân địa phương, công tác tuyên truyền trực quan đã góp phần quan trọng trong việc định hướng thông tin về việc triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trên địa bàn xã, phường, thuận lợi cho việc huy động sự tham gia của nhân dân địa phương, tạo tiền đề quan trọng để việc triển khai thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí đạt được mục tiêu đề ra.
Việc thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình đã góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình thông qua những chuẩn mực đạo đức, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Công tác thông tin, tuyên truyền về Bộ Tiêu chí được chú trọng, bằng nhiều hình thức phong phú, cụ thể, thiết thực, phù hợp với các nhóm đối tượng, độ tuổi, tâm lý, sở thích tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, gia đình và cộng đồng về công tác gia đình, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình. Nhân dân trên địa bàn thí điểm cơ bản đã nắm rõ nội dung, ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình và cam kết thực hiện, từ đó đã góp phần thay đổi ý thức, có sự điều chỉnh về hành động, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng, gìn giữ hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội. Kết quả của việc thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong 02 năm (2019-2020) tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được việc triển khai Bộ tiêu chí còn những tồn tại, hạn chế: Đối với một bộ phận nhân dân, việc đăng ký, thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình đôi khi còn mang tính hình thức. Sự phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình của các cấp hội, đoàn thể đôi khi chưa thường xuyên. Kinh phí để thực hiện thí điểm không nhận được sự hỗ trợ từ Trung ương mà do ngân sách địa phương bố trí nên còn hạn chế. Việc thí điểm Bộ Tiêu chí chưa được triển khai thêm ở các địa phương khác.