Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp đã có Văn bản số 1582/BC-SVHTTDL về việc tổng kết thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
Đồng Tháp tuy không phải là địa phương nằm trong 12 tỉnh, thành được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn làm thí điểm, nhưng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức triển khai thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” tại 3 xã, phường gồm phường Hòa Thuận, thành phố Cao Lãnh; xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình; xã Tân Hội, thành phố Hồng Ngự. 03 xã, phường triển khai thực hiện thí điểm chủ động chọn địa bàn cụ thể là khóm, ấp để tổ chức triển khai đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí có 60 hộ gia đình gồm 308 thành viên tham gia với 04 nhóm tiêu chí: vợ chồng; cha mẹ, ông bà; con cháu; anh, chị, em. Trong quá trình thực hiện không có hộ gia đình nào thay đổi về lựa chọn vẫn giữ theo đăng ký tiêu chí ban đầu. Qua đánh giá việc thực hiện đều đạt 100%. Tất cả 60 hộ gia đình đều thống nhất đăng ký tất cả các tiêu chí, nhận thấy sự cần thiết phải áp dụng Bộ tiêu chí vào cuộc sống gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm lo lao động sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình và đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Định kỳ 06 tháng và hàng năm, các huyện, thành phố trong tỉnh tổ chức đợt kiểm tra, giám sát tại cơ sở về các hoạt động công tác gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình… lồng ghép kiểm tra công tác thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí. Ngoài ra, cấp tỉnh còn kết hợp kiểm tra thông qua việc tham dự các Hội nghị, Hội thi ở cấp huyện, xã để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Nhìn chung, việc thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí được triển khai tập trung, hiệu quả; các địa phương đã tổng hợp báo cáo kết quả, đánh giá và rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Sau thời gian thực hiện Bộ tiêu chí, Nhân dân tại 03 xã, phường được chọn thí điểm nói riêng và toàn tỉnh nói chung có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về các mối quan hệ trong gia đình; thấy được vai trò quan trọng của việc xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của gia đình là trách nhiệm chung của tất cả thành viên để phát triển, tiến bộ và hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội. Việc triển khai Bộ tiêu chí là rất cần thiết nhằm củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi con người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội, hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới, bạo hành trẻ em… giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được việc triển khai Bộ tiêu chí còn những hạn chế, khó khăn như Công tác tuyên truyền về Bộ tiêu chí tại một vài địa phương chưa thường xuyên, liên tục; nhận thức của một bộ phận người dân về vai trò của gia đình trong xây dựng, phát triển xã hội còn hạn chế; một số cán bộ còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng hướng dẫn về công tác gia đình nên hiệu quả chưa cao. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cấp phải tạm dừng hoặc giảm quy mô các hoạt động hướng dẫn, tuyên truyền về các tiêu chí ứng xử trong gia đình. Đa số các hộ gia đình đăng ký dựa trên kinh nghiệm sống và phản ánh xã hội, chưa đi sâu vào nghiên cứu từ đó việc thực hiện còn một số khó khăn nhất định. Kinh phí thực hiện gặp khó khăn do tỉnh không phải là địa phương được Trung ương chọn thí điểm nên chủ yếu lồng ghép từ nguồn kinh phí của các chương trình, kế hoạch, đề án khác về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình.