Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai đã có Văn bản số 1772/BC-SVHTTDL kết quả thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Theo Báo cáo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai đã tổ chức triển khai thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” tại phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa; xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom; xã Gia Canh, huyện Định Quán. Bên cạnh việc tập trung xây dựng mô hình thí điểm Bộ tiêu chí tại 3 xã, phường được chọn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Đồng Nai thực hiện chương trình giải trí “Gia đình thời @” phát sóng trên Đài phát thanh – Truyền hình về lĩnh vực gia đình, trong đó, lồng ghép tuyên truyền nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đến mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Phối hợp với Báo Đồng Nai thực hiện phóng sự “Ông bà, cha mẹ mẫu mực – con cháu noi gương” và“Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”.
Tổ chức 22 lớp tập huấn cho 11 huyện, thành phố về công tác gia đình, lồng ghép tuyên truyền và hướng triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình cho cán bộ làm công tác gia đình, công tác văn hóa cơ sở, công tác phụ nữ cấp cơ sở, ban chủ nhiệm các câu lạc bộ gia đình, trưởng ấp, khu phố, khu dân cư trên toàn tỉnh. In ấn và cấp phát 15.000 tờ rơi tuyên truyền bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình cấp phát cho cơ sở. Tuyên truyền triển khai bộ tiêu chí thông qua các đợt sinh hoạt hàng tháng của 823 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 948 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 59 câu lạc bộ nam giới nói không với bạo lực gia đình trong toàn tỉnh.
Trong 2 năm triển khai thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai đưa các tiêu chí ứng xử trong gia đình trở thành nội dung các tiêu chí đánh giá, bình chọn danh hiệu “Gia đình đạt chuẩn văn hóa” hàng năm. Kết quả, trong năm 2019 đã vận động 650.599/651.444 hộ gia đình đăng ký tham gia (đạt
99,87%), kết quả bình xét đánh giá cuối năm 2019 có 643.430/650.599 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” năm 2019 (đạt 98,89%). Năm 2020 đã vận động 661.184/662.688 gia đình đăng ký (đạt 99,72% đạt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra trên 98% ), kết quả bình xét, đánh giá cuối năm có 653.965/661.184 đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” năm 2020 (đạt 98,86% đạt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra trên 98%).
Quá trình triển khai thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình, luôn có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chăt chẽ, đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở; công tác phối hợp giữa các cơ quan ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong việc triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử được quan tâm thực hiện; đặc biệt là sự nhiệt tình chung tay vào cuộc của cán bộ và nhân dân trên địa bàn được chọn để triển khai thí điểm. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì, phối hợp chăt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc triển khai, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đồng thời triển khai đúng quy trình, tiến độ và phương pháp tiến hành, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng các hoạt động tuyên truyền trọng tâm, hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng nhân dân trên địa bàn thí điểm. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố luôn chú trọng triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn, góp phần từng bước nâng cao nhận thức trong nhân dân, đăc biệt các giá trị đạo đức, lối sống trong gia đình đã được quan tâm bảo tồn và phát huy hiệu quả. Nhận thức và hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã được nâng lên rõ rệt. Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã cơ bản nắm rõ nội dung, ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình và cam kết thực hiện, từ đó đã góp phần thay đổi ý thức, có sự điều chỉnh về hành động, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng, gìn giữ hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được việc triển khai Bộ tiêu chí còn những hạn chế, khó khăn như nhận thức của một bộ phận gia đình chưa đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử đối với việc xây dựng hạnh phúc gia đình và xã hội; thể hiện lối sống bảo thủ, coi thường các giá trị, chuẩn mực đạo đức trong gia đình và xã hội gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí. Một bộ phận gia đình đăng ký, thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình còn mang tính hình thức, đăc biệt là thế hệ trẻ (thanh, thiếu niên) trong mỗi gia đình còn thờ ơ với việc đăng ký và cam kết thực hiện với vai trò là thành viên trong gia đình. Nguồn lực đầu tư thực hiện Bộ tiêu chí còn hạn chế, đăc biệt là đối với các địa phương không thuộc địa bàn được chọn triển khai điểm, mới chỉ dừng lại ở việc ban hành kế hoạch thực hiện và lồng ghép triển khai tuyên truyền Bộ tiêu chí với thực hiện nhiệm vụ chung của công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình.