Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã ban hành Báo cáo số 1544/BC-SVHTTDL về tình hình thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”
Điện Biên tuy không phải là địa phương nằm trong 12 tỉnh, thành được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn làm thí điểm, nhưng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã tổ chức triển khai thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” tại 02 huyện Mường Ảng (chọn bản Quyết Tiến 1, xã Búng Lao) và huyện Điện Biên Đông (chọn bản Mường Luân I, xã Mường Luân). Tại địa bàn thí điểm này dân cư tập trung đông đúc, đời sống văn hóa – xã hội phong phú và đa dạng, giao thông đi lại thuận tiện, mức độ hưởng thụ văn hóa của người dân ngày càng được nâng cao, thuộc các dân tộc như: Kinh, Mông, Thái, Khơ Mú, Hoa, Lào… với những trình độ nhận thức khác nhau đã đăng ký thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” đạt 100% (Tiêu chí ứng xử vợ, chồng 210 người; Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu 210 người; Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà 45 người; Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em 95 người).
Bên cạnh việc tập trung xây dựng mô hình thí điểm Bộ tiêu chí tại 2 xã được chọn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn triển khai tuyên truyền rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền về “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, kỹ năng ứng xử trong gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc, các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong gia đình căn bản được thay đổi về hành vi, nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của người dân, gia đình và xã hội, cải thiện mối quan hệ của các thành viên trong gia đình, qua đây cho thấy thực hiện Bộ tiêu chí này là rất cần thiết, phù hợp và mang lại hiệu quả tích cực đối với các hộ gia đình đăng ký thực hiện nói riêng và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung trong việc giữ gìn, bảo vệ các giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Nhân dân trên địa bàn triển khai thí điểm đã cơ bản nắm rõ nội dung, ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình và cam kết thực hiện, từ đó góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội, sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội, các vấn đề như tảo hôn, bạo lực gia đình tại địa bàn thí điểm nói riêng và toàn tỉnh nói chung được kiềm chế và giảm dần theo từng năm, xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được việc triển khai Bộ tiêu chí còn những tồn tại, hạn chế: Công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; việc tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn (do thiên tai, nguồn kinh phí bố trí phục vụ công tác tuyên truyền còn hạn hẹp); một số gia đình chưa nhận thức hết ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống cho các thành viên trong gia đình. Công tác thống kê số liệu và nắm bắt thông tin hoạt động trên địa bàn chưa sát với tình hình thực tế. Nguồn lực cho việc thực hiện Bộ Tiêu chí còn hạn chế, đặc biệt là đối với các huyện, thị xã, thành phố không thuộc địa bàn được chọn triển khai thí điểm, mới chỉ dừng lại ở việc ban hành kế hoạch thực hiện và lồng ghép triển khai tuyên truyền với nhiệm vụ chung của công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình và còn mang tính hình thức.