Ngày 22 tháng 12 năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng Báo cáo số 7710/BC-SVHTT-XDNSVHGĐ về kết quả thực hiện triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2020
Theo đó, các hoạt động tuyên truyền truyền thông tay đổi nhận thức, hành vi tại địa bàn thí điểm và mọi người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh về các quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong gia đình ngày càng được tốt đẹp hơn bền chặt hơn để tất cả các thành viên đều nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa và giá trị của gia đình để từ đó cùng chung tay xây dựng no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
So với năm 2019, tại địa bàn thí điểm huyện Hóc Môn và Quận 12 trong năm 2020 có sự lựa chọn nội dung truyền thông phù hợp với từng địa bàn. Ngoài 300 hộ gia đình đăng ký tham gia hưởng ứng Bộ tiêu chí, Quận 12 và Phường Tân Hưng Thuận chỉ đạo lồng ghép các nội dung của Bộ tiêu chí trong các nội dung hoạt động truyền thông tại địa bàn khu dân cư, khu nhà trọ công nhân. Đối với các câu lạc bộ/ đội/ nhóm tại cộng đồng, nội dung sinh hoạt là các nội dung của Bộ tiêu chí và những vấn đề của gia đình có liên quan hoặc những nội dung nổi cộm được quan tâm. Đồng thời, Pano, áp phích, băng rôn được tuyên truyền khắp nơi trên địa bàn triển khai, không những 04 pano và 15 khẩu hiệu cho mỗi địa bàn thí điểm, mà còn ở 24 quận, huyện nhằm tuyên truyền rộng khắp đến mọi người dân về Bộ tiêu chí và hệ thống loa phát thanh (cố định và di động) được tổ chức tuyên truyền thường xuyên và định kỳ (hằng ngày, vào lúc sáng và chiều, thời gian 5-10 phút/lần).
Các quận, huyện còn lại chủ động lồng ghép các nội dung của Bộ tiêu chí trong các hoạt động của ngành, trong các tiêu chuẩn văn hóa giai đoạn 2020-2025 của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; lồng ghép trong hoạt động tuyên truyền về cuộc vận động xây dựng “gia đình 5 không 3 sạch”, phong trào “3 không – 3 có” của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, phong trào tuyên dương “Người tốt, việc tốt”, phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Công tác tuyên truyền, truyền thông được các cấp, các ngành, đoàn thể, thực hiện tích cực và thường xuyên đến tận cơ sở và tăng cường tuyên truyền nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình – tháng 6, Ngày Quốc tế xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11) và Tháng hành động về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới – tháng 11 hàng năm. Hoạt động truyền thông, giáo dục xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước được tổ chức thực hiện ở nhiều khu vực, địa bàn dân cư khác nhau như tại cộng đồng, trong trường học, khu chế xuất – khu công nghiệp, khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, tại ký túc xá sinh viên, tại các khu tạm giam giữ phạm nhân. Đối tượng được tuyên truyền, truyền thông đa dạng là đảng viên, cán bộ, công nhân, học sinh và Nhân dân trên địa bàn Thành phố, có chú trọng đến các nhóm đối tượng đích trong từng chương trình, kế hoạch và đặc biệt là nam giới và trẻ em trai. Các hoạt động nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của đảng và Nhà nước được triển khai rộng khắp và thường xuyên. Bằng nhiều hình thức khác nhau ở từng lĩnh vực, ngành nội dung này được thực hiện rất phong phú nhằm tạo mọi điều kiện để người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.