Năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai công tác người khuyết tật, kết quả đạt được là:
– Trong quá trình xây dựng các tiêu chuẩn xếp hạng cho các loại hình cơ sở lưu trú du lịch, những yếu tố để phục vụ nhu cầu của người khuyết tật đã được đưa vào tiêu chuẩn xếp hạng với một số loại hình cơ sở lưu trú du lịch, cụ thể: Về tiêu chí kiến trúc, khách sạn từ 4 sao trở lên phải có ít nhất một buồng cho người khuyết tật, đối với khách sạn 5 sao, trong khu vực sảnh phải có phòng vệ sinh cho người tàn tật đi bằng xe lăn; về tiêu chí trang thiết bị tiện nghi, khách sạn 3 sao trở lên phải có xe lăn cho người khuyết tật; về tiêu chí dịch vụ, khách sạn 5 sao phải có dịch vụ cho người khuyết tật. Đối với tiêu chuẩn xếp hạng căn hộ du lịch, căn hộ xếp hạng 3 sao phải có đường xe lăn cho người khuyết tật, căn hộ xếp hạng 4-5 sao phải có căn hộ cho người khuyết tật, căn hộ xếp hạng 5 sao phải có phòng vệ sinh cho người khuyết tật ở sảnh. Đối với tiêu chuẩn xếp hạng biệt thự du lịch, biệt thự đạt tiêu chuẩn phải có đường cho xe lăn của người khuyết tật (đối với cụm biệt thự); cụm biệt thự cao cấp từ 30 biệt thự trở lên phải có dịch vụ phục vụ buồng ngủ cho người khuyết tật. Đối với tàu lưu trú du lịch phải có đường dẫn lên tàu dành cho người khuyết tật.
– Đối với khu, tuyến điểm du lịch: ngày 08/5/2012, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã ban hành Quy định tạm thời về tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch (kèm theo Quyết định số 225/QĐ-TCDL). Theo đó, tại các điểm tham quan du lịch, điểm dừng chân và các địa điểm phục vụ khách du lịch khác khi xây dựng nhà vệ sinh công cộng phải có đường dẫn và nếu có điều kiện phải xây dựng nhà vệ sinh công cộng cho người khuyết tật.
– Nhiều địa phương thực hiện miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ khi người khuyết tật trực tiếp tham gia, sử dụng các dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí, du lịch tại các cơ sở trên địa bàn.