Gia đình tồn tại và phát triển phụ thuộc rất lớn vào chất lượng các mối quan hệ giữa các thành viên với nhau. Mối quan hệ bền chặt, chất lượng giữa các thành viên trong gia đình là điều kiện đảm bảo để gia đình vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống, đặc biệt là khi Việt Nam đang thực hiện sâu rộng công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Dưới tác động tiêu cực của quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cùng với những ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế thị trường, mối quan hệ giữa các thành viên ngày càng lỏng lẻo; lối sống đề cao cá nhân; một số giá trị đạo đức: hiếu nghĩa, thuỷ chung v.v…xuống cấp đã làm cho nhiều gia đình Việt Nam đứng trước nguy cơ bất ổn, tan vỡ trực tiếp tác động đến sự bền vững của gia đình.
Xác định mức độ hạnh phúc bền vững của gia đình có mối quan hệ qua lại chặt chẽ với sự ổn định, an toàn của xã hội và đất nước và đáp ứng được mục tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 phê duyệt Đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững” (Đề án phát huy giá trị mối quan hệ gia đình); với mục tiêu phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, giữa người cao tuổi và con cháu; các giải pháp hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững. Đề án đã được triển khai lồng ghép trong các hoạt động truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình với các hình thức như: hội nghị, hội thảo, diễn đàn, các cuộc thi, các chuyên mục truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tờ rơi, tờ gấp, tài liệu giáo dục đời sống gia đình, …
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, với nhiệm vụ được giao chủ trì Dự án 3 của Đề án đã ban hành Hướng dẫn số 12/HD-ĐCT ngày 10/6/2020, đến nay đã đạt được những kết quả như: Toàn thể các cấp Hội tổ chức các hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ Hội chủ chốt, cộng tác viên, tuyên truyền viên làm công tác gia đình về kiến thức, kỹ năng phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình, cung cấp nội dung hoạt động giáo dục đời sống gia đình. Tại Trung ương đã tổ chức 100 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về gia đình với gần 5.000 đại biểu là lãnh đạo., cán bộ Hội chủ chốt các cấp, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 63 tỉnh, thành và các chi hội trưởng, tổ trưởng, ban chủ nhiệm các câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình tại các địa phương. Tại 63 tỉnh, thành đã tổ chức 11.381 lớp tập huấn cho hàng chục nghìn cán bộ Hội chủ chốt, tuyên truyền viên cơ sở; các cấp Hội xây dựng tài liệu, tổ chức tập huấn về giáo dục trước hôn nhân; giáo dục đời sống gia đình và tư vấn hôn nhân-gia đình cho các nam, nữ thanh niên trong độ tuổi kết hôn; gần 3.000 nam nữ thanh niên đã được Hội Liên hiệp phụ nữ cấp giấy chứng nhận tham gia tập huấn trước hôn nhân; các cấp Hội tổ chức hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ Hội chủ chốt, cộng tác viên, tuyên truyền viên làm công tác gia đình về kiến thức, kỹ năng phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình, cung cấp nội dung giáo dục đời sống gia đình; 100% các cấp Hội tổ chức tập huấn/truyền thông nâng cao nhận thức cho người chưa thành niên, nam nữ thanh niên trong độ tuổi kết hôn về kiến thức xây dựng gia đình, giáo dục đời sống gia đình; Xây dựng mô hình Góc tư vấn và chuyên mục thông tin điện tử về giáo dục đời sống gia đình, giáo dục trước hôn nhân, tư vấn tiền hôn nhân; thí điểm và nhân rộng mô hình câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Hiện đã có 722 mô hình được xây dựng và vận hành tại các địa phương.