Ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ về lĩnh vực công tác gia đình; thực hiện công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động nhân Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11)…
Hướng dẫn các huyện, thành phố duy trì hoạt động của mô hình, các câu lạc bộ gia đình, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 793 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 1007 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 59 CLB nam giới nói không với bạo lực gia đình; 1.150 địa chỉ tin cậy cộng đồng; 171 điểm tạm lánh bạo lực gia đình; tăng 22 câu lạc bộ gia đình, 19 địa chỉ tin cậy cộng đồng, 16 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình so với năm 2018.
Trong năm 2019 đã trang bị 26 tủ, 572 cuốn sách cho 26 câu lạc bộ gia đình; 330 bộ đồng phục (áo, nón) cho 66 Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; cấp phát 4.500 cuốn sổ tay tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình cho các Câu lạc bộ, Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, Địa chỉ tin cậy cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Tính đến ngày 14/11/2019, toàn tỉnh đã xảy ra 42 vụ bạo lực gia đình. Hình thức bạo lực đa số là bạo lực thân thể, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi từ 16 đến 59 tuổi và trẻ em. Nhìn chung, số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh giảm hơn so với các năm trước nhưng tính chất, hành vi bạo lực xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do cờ bạc, rượu chè, quan niệm bất bình đẳng giới, thiếu hiểu biết về Luật phòng, chống bạo lực gia đình; thiếu các kỹ năng ứng xử, cách giải quyết không phù hợp khi trong gia đình có sự mâu thuẫn, xung đột.
Tổ chức 11 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác gia đình, phát 1.300 tài liệu cho các đối tượng là lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, chuyên viên làm công tác gia đình cấp huyện, cán bộ Gia đình-Trẻ em cấp xã, Ban Chủ nhiệm CLB “Nam giới nói không với bạo lực gia đình”…