Mục tiêu 1. Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp tham gia quản lý, chỉ đạo, thực hiện Đề án.
Hàng năm, Bộ đã xây dựng tài liệu hướng dẫn triển khai, thực hiện Đề án lồng ghép trong tài liệu hướng dẫn thực hiện công tác gia đình và tổ chức các khóa tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước về gia đình cho đội ngũ cán bộ ở trung ương và cấp tỉnh. Kinh phí thực hiện mục tiêu 1 tại trung ương được trích từ nguồn sự nghiệp gia đình hàng năm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các tỉnh, thành cân đối, bố trí kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn địa phương.
Theo hướng dẫn của trung ương, các địa phương cũng thực hiện việc tập huấn, bồi dưỡng cho các ngành, các cấp tham gia thực hiện Đề án theo hướng lồng ghép trong các hoạt động đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo và sự kiện truyền thông thuộc lĩnh vực gia đình. Một số tỉnh, thành đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức tốt hoạt động tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng triển khai thực hiện Đề án như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, An Giang, Tây Ninh, Cao Bằng, Điện Biên, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng…
Mục tiêu 2. Xây dựng, hỗ trợ tài liệu nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Vụ Gia đình phối hợp với các đơn vị liên quan để tiếp tục xây dựng và phát hành bộ tài liệu Giáo dục đời sống gia đình (gồm 4 phần: phần 1. Tổng quan về gia đình; phần 2. Gia đình trẻ; phần 3. Gia đình tuổi trung niên; phần 4, Chăm sóc người cao tuổi). Đồng thời, Bộ đã in và phát hành bộ đĩa CD các chương trình truyền thanh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình tới 63 tỉnh, thành và các cơ quan bộ, ban, ngành trung ương. Các tài liệu nêu trên đã góp phần cung cấp kiến thức, kỹ năng, nâng cao nhận thức, vận động sự vào cuộc, tham gia của các ngành, các cấp về tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.
Các địa phương đã chủ động, tích cực nối bản tài liệu truyền thông do Bộ cung cấp; đồng thời biên soạn mới, biên soạn lại tài liệu tuyên truyền đảm bảo phù hợp với điều kiện và đặc thù địa phương, xây dựng các tài liệu truyền thông về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, cung cấp kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động cho cán bộ tham gia công tác gia đình của các ngành, các cấp trên địa bàn. Làm tốt có các tỉnh/thành: Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Bà Rịa Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang, Tây Ninh, Cần Thơ, Bến Tre, Đồng Tháp, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau…
Mục tiêu 3. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục.
Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ bằng nguồn ngân sách trung ương triển khai thực hiện các mô hình điểm tại cơ sở.
Bộ đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương; xây dựng mô hình lồng ghép nội dung của Đề án trong các buổi sinh hoạt thôn. Tổng kinh phí Bộ hỗ trợ 63 tỉnh, thành thực hiện Đề án là 1,97 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp gia đình năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ, các tỉnh, thành đã tham mưu, cân đối và bố trí kinh phí địa phương để duy trì và nhân rộng địa bàn triển khai mô hình; đồng thời mở rộng các hình thức tuyên truyền, giáo dục về gia đình trong các buổi sinh hoạt tập thể, các câu lạc bộ, các cuộc thi, các tài liệu truyền thông… tại địa phương. Điển hình là các tỉnh, thành: Bình Định, Thanh Hóa, Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Yên Bái, Lai Châu, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Bình Dương, Cần Thơ, Tây Ninh, Bến Tre, Long An, Trà Vinh…
Triển khai đồng bộ các hình thức truyền thông trên phạm vi toàn quốc như:
Bộ đã hỗ trợ hơn 900 triệu đồng từ sự nghiệp gia đình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2012 cho các tỉnh, thành (Điện Biên, Đồng Nai, Vinh Phúc, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đắk Nông, Cà Mau) để xây dựng các cụm pano tấm lớn tuyên truyền trên các tuyến phố chính tại tỉnh, thành; tạo hiệu ứng truyền thông lan tỏa trên toàn quốc. Đồng thời, ký kết chương trình phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; phối hợp với các báo, tạo chí ở trung ương xây dựng các chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình như: “Gia đình Việt”, “Cuộc sống xanh”, “Đường về”, “Thiếu nhi”, “Người cao tuổi”, “Phụ nữ”, “Gia đình và Xã hội”, “Bình đẳng giới trong gia đình”, …
Các địa phương đã tham mưu, xây dựng kế hoạch trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí ngân sách địa phương thực hiện các hoạt động truyền thông linh hoạt, sáng tạo như: Ngày hội gia đình các khu vực, vùng miền; các cuộc thi viết, vẽ tranh về gia đình; sinh hoạt chuyên đề về xây dựng gia đình hạnh phúc; triển lãm ảnh về gia đình, thi tiểu phẩm, xây dựng kịch ngắn, phim về đề tài gia đình; nghiên cứu khoa học về những yếu tố tác động đến đạo đức, lối sống trong gia đình và giải pháp cho vấn đề này v.v.. Điển hình có các tỉnh, thành như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Kon Tum, Bình Thuận, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Tây Ninh, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau.