Ngày 04 tháng 01 năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng văn bản số 03/BC-SVHTTDL về kết quả thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình năm 2021
Theo Báo cáo, ngoài 02 địa bàn thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (tại xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ và thị trấn Ea Pốk, huyện CưM’gar); ở tỉnh, đã chủ động xây dựng thí điểm tại các xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn; xã Buôn Tría, huyện Lắk (bắt đầu triển khai năm 2020), xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo; xã Pơng Drang, huyện Krông Búk (bắt đầu triển khai năm 2021) với hơn 1.200 hộ đăng kí tham gia thực hiện.
Công tác tuyên truyền thời gian qua các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai tổ chức thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Trong đó chú trọng chỉ đạo công tác tuyên truyền bằng băng rôn, pano, băng rôn, khẩu hiệu; in ấn, cấp phát 18.000 tờ lịch treo tường, 80 băng rôn, 480 cờ phướn cấp phát các huyện, thị xã, thành phố; Tập trung tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng ứng xử trong gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc; các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong gia đình; gương chung thủy, hiếu nghĩa, yêu thương, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình; chính sách, pháp luật quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của gia đình, các thành viên trong gia đình.
Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tập trung tuyên truyền vào ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6) và ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11).
Các hoạt động triển khai Bộ tiêu chí được Nhân dân trên địa bàn thí điểm hưởng ứng nhiệt tình, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong các địa bàn thí điểm đã tự giác chấp hành, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong gia đình, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc… Các hộ gia đình trong địa bàn thí điểm không có trường hợp bạo lực gia đình, ly hôn. Cụ thể: Tại địa bàn thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar: từ năm 2019 đến năm 2021 không xảy ra bạo lực gia đình, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu văn hóa tăng từ 81% (năm 2019) lên 86,83% (năm 2021). Tại xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ từ năm 2019 đến năm 2021 không xảy ra bạo lực gia đình, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu văn hóa tăng từ 86,52% (năm 2019) lên 89,79% (năm 2021). Tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa khá cao ở các địa phương như: xã Pơng Drang, huyện Krông Búk (91,4%); xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn (96,1%)… Trên địa bàn xã Buôn Tría, huyện Lắk; xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo trong năm 2021 không xảy ra bạo lực gia đình.
Trong năm 2021, do tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn nhiều địa phương diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội và ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”; việc tổ chức các hoạt động hội họp, tập trung đông người không triển khai thường xuyên, đầy đủ, không tổ chức được các hoạt động tọa đàm, sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, ở các địa phương cũng đã chủ động, sáng tạo, chuyển đổi hình thức tuyên truyền phù hợp bằng các hoạt động thích ứng với tình hình dịch bệnh như: tuyên truyền panô, cờ phướn, băng rôn tờ rơi, tờ gấp phát cho các hộ gia đình, xe loa tuyên truyền, thành lập Zalo nhóm, trên các Đài truyền thanh ở cơ sở…
Đối với các địa phương không thuộc địa bàn được chọn thí điểm, chủ yếu mới chỉ ban hành Kế hoạch thực hiện và lồng ghép triển khai tuyên truyền “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” với thực hiện nhiệm vụ chung của công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình (9/9 huyện và Thành phố Buôn Ma Thuột có Kế hoạch lồng ghép nội dung).
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được việc triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” còn những tồn tại, hạn chế như nhận thức của một bộ phận Nhân dân chưa đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện Bộ tiêu chí đối với việc xây dựng hạnh phúc gia đình và xã hội; một bộ phận thành viên đăng ký, thực hiện “Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình” còn mang tính hình thức… Về triển khai số hộ gia đình đăng ký và đánh giá kết quả thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” còn hạn chế số lượng nên chưa có sự lan tỏa mạnh mẽ đến người dân trên địa bàn. Nguồn tài liệu tuyên truyền chưa được phong phú; nguồn kinh phí, các hạn mức chi còn thấp.