Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008 nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, góp phần củng cố và xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc trong điều kiện hội nhập quốc tế. Căn cứ các văn bản chỉ đạo của TW Hội LHPN Việt Nam, UBND tỉnh, Hội LHPN tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa trách nhiệm theo quy định tại Điều 34 Luật phòng, chống bạo lực gia đình để chỉ đạo các cấp Hội toàn tỉnh triển khai, thực hiện. Sau 10 năm nhìn lại, việc triển khai thi hành luật của các cấp Hội LHPN tỉnh đạt được nhiều kết quả cụ thể, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cán bộ, hội viên phụ nữ toàn tỉnh trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, giảm số vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền, từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ về phòng, chống bạo lực gia đình
Hoạt động tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình được các cấp Hội toàn tỉnh quan tâm, tổ chức thường xuyên, thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Toàn tỉnh đã tổ chức trên 140 nghìn cuộc hội thi, giao lưu, tọa đàm, tập huấn, hái hoa dân chủ, nói chuyện chuyên đề với các chủ đề về phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, kiến thức nuôi dạy con, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, “Chia sẻ gánh vác công việc gia đình”, “Truyền thông nghệ thuật giữ gìn tình yêu – hạnh phúc, “Yêu thương và chia sẻ”…. thu hút đông đảo các tầng lớp hội viên, phụ nữ và nhân dân tham gia. Hội LHPN tỉnh đã biên soạn và phát hành 144.000 cuốn tài liệu hướng dẫn sinh hoạt hội viên hàng quý, 1.000 cuốn sổ tay Phòng, chống bạo lực gia đình, 10.000 tờ gấp tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình; hỏi đáp tìm hiểu Luật Hôn nhân và Gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; chuyển trên 50.000 cuốn thông tin Phụ nữ 8/3, 20/10 của TW Hội, 50.772 tài liệu, sổ tay, cẩm nang, tờ rơi… về phòng, chống tội phạm, TNXH, phòng chống bạo lực gia đình, kiến thức nuôi dạy con, 5 không, 3 sạch… làm tài liệu tuyên truyền đối với cơ sở. Hội đã phối hợp xây dựng và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng hơn 1.000 lượt tin, bài về gương điển hình phụ nữ tiên tiến, gia đình hạnh phúc, các tấm gương vượt khó vươn lên trong cuộc sống.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ về bạo lực gia đình đã nâng lên rõ rệt. Từ chuyển biến về nhận thức, cán bộ, hội viên phụ nữ tỉnh có đã có những chuyển biến trong việc quan tâm tổ chức các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, can thiệp, giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực gia đình…
Tham gia xây dựng, giám sát, phản biện xã hội, kiến nghị những biện pháp cần thiết với cơ quan chức năng để thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình
Các cấp Hội LHPN tỉnh đã quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia xây dựng, phản biện xã hội, đóng góp các ý kiến với cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng và thực thi các văn bản về hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Hội LHPN tỉnh chỉ đạo tổ chức cho cán bộ, hội viên tham gia đóng góp ý kiến, phản biện xã hội đối với các dự thảo văn kiện của Đảng; dự thảo luật pháp chính sách của Nhà nước, trong đó tập trung đóng góp đối với các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến lợi ích chính đáng phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. 10 năm qua, Hội đã tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội XI, XII Đại hội Đảng toàn quốc, dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XVII, XVII Đảng bộ tỉnh; Dự thảo Hiến pháp, 12 Dự thảo Bộ luật, luật, nghị định; 45 dự thảo Nghị quyết, Đề án, chương trình, kế hoạch… của địa phương. Trong đó, nhiều ý kiến đã được tiếp thu như các ý kiến đóng góp về vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng bộ các cấp, các ý kiến đóng góp sửa đổi Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Hôn nhân và Gia đình… Theo đề nghị của Hội LHPN tỉnh, hằng năm, các ngành chức năng như Công an tỉnh, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đều có sự quan tâm phối hợp, hỗ trợ kinh phí để Hội LHPN tỉnh tổ chức các hoạt động truyền thông phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, các tệ nạn xã hội. Khi có vụ việc bạo lực xảy ra trên địa bàn, Hội đã kịp thời vào cuộc, nắm bắt thông tin có liên quan, hỗ trợ nạn nhân và trực tiếp có ý kiến kiến nghị với cơ quan chức năng, đồng thời theo dõi, giám sát quá rình giải quyết vụ việc. Từ năm 2008-6/2018, Hội LHPN tỉnh tiếp nhận 80 đơn kiến nghị, phản ánh, đề nghị hỗ trợ tư vấn về hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình, đã giải quyết 80/80 trường hợp, trong đó trực tiếp tư vấn, hướng dẫn 52 trường hợp, chuyển đơn và có ý kiến kiến nghị, can thiệp, bảo vệ bảo vệ 28 trường hợp.
Kết quả hoạt động tham gia xây dựng, giám sát, phản biện xã hội, kiến nghị những biện pháp cần thiết với cơ quan chức năng để thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình của tổ chức Hội từng bước cụ thể hóa vai trò, vị trí, chức năng của Hội LHPN các cấp trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ theo quy định tại Điều lệ Hội LHPN Việt Nam.
Tổ chức các cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình
Nhằm chủ động các điều kiện kịp thời tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình, tư vấn, hòa giải mâu thuẫn gia đình, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Hội LHPN cơ sở tham mưu, đề nghị UBND xã/phường/thị trấn ra quyết định thành lập mô hình “Địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng qua đó kịp thời hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình có nơi tạm lánh và giúp đỡ các nhu cầu thiết yếu khác nhằm tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả của bạo lực gia đình. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 234 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng ở 228/230 cơ sở xã/ phường/thị trấn với 3.184 thành viên là các đồng chí lãnh đạo UBND, các đoàn thể, công an, tư pháp…tham gia, đã thực hiện hòa giải trên 480 vụ mâu thuẫn gia đình; tư vấn, tiếp nhận, giúp đỡ trên 40 nạn nhân bị bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán trở về.
Tại các cơ sở Hội còn thành lập và duy trì hoạt động của hơn 2 nghìn mô hình câu lạc bộ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Gia đình hạnh phúc”, tổ phụ nữ phòng chống tệ nạn xã hội, phòng, chống bạo lực gia đình…. Nội dung sinh hoạt câu lạc bộ không chỉ có ý nghĩa tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc trong phạm vi câu lạc bộ mà còn có ý nghĩa hỗ trợ công tác tuyên truyền rộng tại cộng đồng dân cư, qua đó đã giúp cho công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở đạt hiệu quả. Năm 2018, Hội LHPN tỉnh ra quyết định thành lập Ban Tư vấn về giáo dục đời sống gia đình, giáo dục – tư vấn tiền hôn nhân nhằm thực hiện tư vấn cho cán bộ, hội viên, phụ nữ các kiến thức pháp luật, kỹ năng về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực, xâm hại, mua bán phụ nữ, trẻ em.
Hướng đến mục tiêu hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng ngừa bạo lực gia đình, 10 năm qua, các cấp Hội toàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác phối hợp tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, vận động hội viên kinh tế khá giúp gần 700.000 lượt hội viên kinh tế khó khăn vay tiền, vàng, thóc, gạo… không lấy lãi để phát triển kinh tế gia đình trị giá gần 520 tỷ đồng. Trong đó, Hội đã tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho 381 phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình; giúp 724 nạn nhân, đối tượng có nguy cơ được vay vốn 2,5 tỷ đồng; tổ chức thăm hỏi, tặng quà 95 nạn nhân trị giá 16,6 triệu đồng.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác phòng chống bạo lực gia đình, tuy nhiên Hội LHPN tỉnh Bắc Giang cũng nhận định, vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập và các vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình và quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình như: việc tổ chức các hoạt động truyền thông quy mô lớn, chuyên sâu còn khó khăn, chưa thường xuyên, công tác tuyên truyền chủ yếu là lồng ghép nên hiệu quả chưa cao; công tác phát hiện, xử lý, giải quyết vụ việc bạo lực gia đình trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn do nạn nhân bị bạo lực còn mặc cảm, e ngại, các thành viên gia đình còn che giấu, không quyết liệt tố giác hành vi bạo lực gia đình; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội có diễn biến phức tạp; định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ còn tồn tại trong nhân dân; một số quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình còn rất chung chung nên trên thực tế còn khó áp dụng (ví dụ như quy định về quyền của nạn nhân bạo lực gia đình; trách nhiệm của tổ chức Hội LHPN Việt Nam…). Những khó khăn nêu trên đòi hỏi trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN tỉnh Bắc Giang cần tập trung rà soát, kiến nghị sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình, tiếp tục định hướng ưu tiên lựa chọn nội dung hoạt động để tổ chức trong hệ thống Hội nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình./.
MINH CHÂU/ Nguồn hlhpn.bacgiang.gov.vn