Ngày 23 tháng 9 năm 2022, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội đã có báo cáo số 170-BC/SVHTT về việc sơ kết 05 năm thực hiện Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL quy định việc thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
Mặc dù trong điều kiện khó khăn về nhiều mặt, nhất là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Thông tư 07 trên địa bàn Thành phố đảm bảo các nội dung theo quy định. Song song với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng các mô hình về gia đình đã thu hút sự tham gia tích cực của các gia đình thông qua nhiều hoạt động như trao đổi, chia sẻ về giáo dục, nuôi dạy con, việc làm, giữ gìn nét đẹp truyền thống trong gia đình. Toàn Thành phố hiện có 616 mô hình các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc với nội dung sinh hoạt thiết thực: cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội thâm nhập vào gia đình; 2.125 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, thực hiện tư vấn, giải quyết mâu thuẫn, bạo lực gia đình, kịp thời hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình có nơi tạm lánh và các nhu cầu thiết yếu khác nhằm giảm thiểu các rủi ro về sức khỏe, tính mạng và 547 đường dây nóng ở cộng đồng để người dân kịp thời báo cáo các vụ việc bạo lực xảy ra trong gia đình và cộng đồng, góp phần ngăn ngừa và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm phòng, chống bạo lực gia đình.
Về thuận lợi: Có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội. Bạo lực gia đình giảm thiểu góp phần xây dựng gia đình trong tình hình mới; Các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình ngoài việc giúp đỡ nhau xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no và tiến bộ, xóa đói giảm nghèo, hôn nhân lành mạnh, phát triển kinh tế còn vận động đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó, nâng cao được nhận thức, dần dần thay đổi được hành vi, từng bước hạn chế vấn đề bạo lực gia đình; Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai nghiêm túc, kịp thời. Những trường hợp có biểu hiện dễ dẫn đến bạo lực gia đình đã được tuyên truyền, vận động, giải thích và nhắc nhở kịp thời; Những nội dung đánh giá, đề cương báo cáo và biểu số liệu có những chỉ tiêu thống kê, tổng hợp cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương, nhất là ở cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.
Về khó khăn: Công tác triển khai thu thập thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình ở một số đơn vị còn chậm, chưa nhận thức đầy đủ về mục đích và ý nghĩa của việc thu thập thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình và những hậu quả của hành vi bạo lực gia đình; do đó, chưa có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát và tổ chức thực hiện đồng bộ và có hiệu quả; Số liệu “Số vụ bạo lực gia đình” thu thập khó có tính chính xác cao do những vụ bạo lực gia đình về thể xác nhẹ, bạo lực về tinh thần, kinh tế và bạo lực tình dục khó phát hiện dô nạn nhân không khai báo; Ngân sách đầu tư cho việc thực hiện Thông tư 07 chưa được bố trí riêng. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về gia đình ở cơ sở kiêm nhiệm chưa thực sự ổn định để theo dõi và nắm bắt kịp thời về công tác gia đình và triển khai thực hiện Thông tư 07 do đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu thập thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở.