Công tác tuyên truyền về PCBLGĐ là nội dung được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và các Bộ, ngành luôn quan tâm. Từ năm 2008, chiến dịch truyền thông được phát động tại Tây Ninh và Bắc Giang. Sau đó, các hoạt động truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) được thực hiện ở nhiều địa phương với các cấp độ khác nhau. Năm 2017, Bộ VHTTDL đã phát động chiến dịch truyền thông PCBLGĐ nhân Tháng hành động PCBLGĐ trên phạm vi toàn quốc.
Bộ VHTTDL cũng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Đề án lồng ghép nội dung xây dựng gia đình hạnh phúc và PCBLGĐ vào chương trình giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm phát huy hiệu quả phối hợp trong giáo dục của 3 môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội. Hướng dẫn 63 tỉnh, thành trên toàn quốc lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình vào các cuộc họp tổ dân phố; các hoạt động truyền thông cộng đồng tại cơ sở nhằm đưa các quy định của Luật, chính sách của Đảng và Nhà nước tới từng hộ gia đình, từng người dân.
Các Bộ, ngành trong 12 năm qua đã ban hành các đề án, chương trình tuyên truyền về PCBLGĐ và chỉ đạo các đơn vị tổ chức tuyên truyền về nội dung Luật PCBLGĐ như Đề án “Tuyên truyền về xây dựng gia đình và PCBLGĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng đến năm 2020” của Bộ Thông tin và Truyền thông; Chương trình “Vì trẻ em” do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phát sóng hàng tuần để tuyên truyền về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức các hội nghị chuyên đề phổ biến, quán triệt đến tất cả các cán bộ, công chức trong ngành thực hiện Luật PCBLGĐ.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức các Hội thảo, diễn đàn với các ngành chức năng, các cơ quan thông tấn báo chí nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường truyền thông bình đẳng giới và PCBLGĐ; tổ chức tập huấn về bình đẳng giới và PCBLGĐ cho các cơ quan truyền thông và ban ngành chủ chốt cấp tỉnh, huyện và cơ sở. Trong 12 năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã biên soạn và phát 3.413.129 tờ rơi, tờ gấp; 11.303 tranh cổ động, áp phích; 2.617.819 cuốn tài liệu tuyên truyền liên quan tới xây dựng gia đình. Tổ chức hơn một nghìn hội thảo, tập huấn về PCBLGĐ cho gần một trăm nghìn lượt người là báo cáo viên, cộng tác viên pháp luật của Hội liên hiệp phụ nữ và tuyên truyền viên tại cộng đồng dân cư.
Trong giai đoạn 2008-2019, Bản tin công tác của Trung ương Hội và Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố đã có 306.178 tin, bài, phóng sự về PCBLGĐ. Triển khai tập huấn với 1.625 khóa đào tạo cho 105.096 cán bộ Hội Nông dân từ trung ương đến địa phương nhằm nâng cao năng lực truyền thông về PCBLGĐ, trách nhiệm của nam giới trong PCBLGĐ. Các cấp hội đã tổ chức 22.141 hoạt động tư vấn với sự tham gia của 844.507 nam nông dân có nguy cơ cao gây BLGĐ, 29.206 cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm, mít tinh, giao lưu sân khấu hóa với sự tham gia của 2.919.478 nam nông dân tại gần 8.000 xã, phường, thị trấn trong cả nước. Bên cạnh đó, có 5.438 mô hình truyền thông lồng ghép công tác PCBLGĐ với vốn vay, tín dụng, tiết kiệm, khuyến nông (195.406 hội viên tham gia); công tác PCBLGĐ được Hội triển khai tại hơn 70% xã, phường trong cả nước với 443.355 chi, tổ hội tham gia.
Cũng trong giai đoạn này, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ban hành Đề án “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2013 – 2020”; phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an triển khai các nội dung liên quan đến công tác Bình đẳng giới, Hôn nhân và gia đình, PCBLGĐ, phòng chống nạn xâm hại trẻ em, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới gia đình, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đặc biệt nữ thanh niên và trẻ em gái.
Từ cấp tỉnh đến cơ sở đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua các bản tin và bài viết phát trên hệ thống truyền thanh tại xã, phường; tuyên truyền trực quan trên các tấm pano, băng rôn, khẩu hiệu; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục nhân các Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày Quốc tế về xoá bỏ bạo lực chống lại phụ nữ và trẻ em gái (25/11),… Các Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố đã phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh làm tốt công tác định hướng tuyên truyền trong các Hội nghị giao ban báo chí định kỳ; ban hành văn bản gửi các cơ quan báo chí địa phương, Đài truyền thanh, truyền hình các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng PCBLGĐ…
Các địa phương cũng xây dựng tủ sách pháp luật, tờ rơi về PCBLGĐ; nhân bản và biên soạn, phát hành các tài liệu nhằm chuyển tải thông điệp xây dựng gia đình hạnh phúc, PCBLGĐ đến đông đảo người dân. Ngoài ra, các tỉnh/thành tổ chức các hoạt động tuyên truyền thông qua hình thức văn hoá, văn nghệ: Các Đội thông tin lưu động của tỉnh, huyện xây dựng các chương trình văn nghệ với nội dung đa dạng phong phú, gồm những tiểu phẩm, vở kịch về xây dựng gia đình văn hóa, PCBLGĐ,… biểu diễn trên địa bàn tỉnh thu hút đông đảo nhân dân đến xem. Tổ chức các Hội thi, liên hoan, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề,… nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3); Ngày Quốc tế xoá bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái (25/11); Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) và các ngày lễ kỷ niệm khác với sự tham gia của các gia đình và Câu lạc bộ, đội, nhóm.