Hiện nay toàn tỉnh có 20 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình theo chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 2.504 mô hình hoạt động độc lập, trong đó có 198 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 565 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 1.336 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 405 đường dây nóng. Các huyện, thị xã, thành phố đã duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở. Chỉ đạo cơ sở tăng cường công tác thu thập thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình theo đúng quy định. Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt việc tiếp nhận, hỗ trợ và chăm sóc cho người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình; thực hiện tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình cho bệnh nhân và các cá nhân liên quan đến bạo lực gia đình; phát hiện, khám sàng lọc và chuyển gửi an toàn người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình. Các trung tâm y tế tuyến huyện tăng cường hướng dẫn, giám sát trạm y tế xã, phường, thị trấn về chuyên môn chăm sóc y tế ban đầu, tư vấn về sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình.
Các cấp hội cung cấp trên 260 tin tức tố giác về các tệ nạn xã hội và hòa giải thành công nhiều vụ bạo lực gia đình, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ an ninh, trật tự xã hội (Hội Người Cao tuổi thực hiện); duy trì 442 tổ nắm tin, 142 tổ tình nguyện và tham gia thành viên tổ hòa giải ở cơ sở, đã hòa giải thành công 280 vụ trên 500 lượt người (Hội Cựu Chiến binh tỉnh thực hiện). Tiếp tục duy trì hoạt động mô hình “Địa chỉ tin cậy – Nhà tạm lánh” tại phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ nhằm cung cấp dịch vụ nhanh chóng, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới ngay từ cấp cộng đồng (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện). Theo thống kê năm 2020 có 255 bệnh nhân là nạn nhân bạo lực gia đình, trong đó nữ 214 người, nam 41 người; điều tra, giải quyết 55 vụ, 52 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bạo lực gia đình, trong đó xử lý 03 vụ, 02 đối tượng; xử lý hành chính 44 vụ, 42 đối tượng; hòa giải 03 vụ, 03 đối tượng.