Theo Báo cáo, Công tác quản lý nhà nước về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh được triển khai khá đồng bộ; 100% các xã, phường, thị trấn đã xây dựng được Ban chỉ đạo, quy chế hoạt động; 100% các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch triển khai thực hiện công tác gia đình năm 2022; triển khai thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW ngày 24/6/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (giai đoạn 2021 – 2030); Chiến lược phát triển gia đình đến năm 2030, giai đoạn 2022 – 2026 và năm 2022; Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025, năm 2022; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030, giai đoạn 2022 – 2025 và năm 2022; tổ chức các hoạt động nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái 25/11 gắn với Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2022.
Hiện nay, ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 129 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó có 762 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 838 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 1.975 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình nắm bắt được nhiều thông tin về gia đình có nguy cơ xảy ra bạo lực gia đình, để từ đó có biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời. Đến nay, hầu hết các hộ gia đình đều chăm lo làm ăn, nguồn thu nhập ổn định, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên đáng kể.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác gia đình và phòng, chống bạo lực còn có những hạn chế như: Đội ngũ cán bộ phụ trách công tác gia đình ở cơ sở đều kiêm nhiệm, thường có sự luân chuyển nên kết quả thực hiện công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình vẫn còn hạn chế nhất định, hiệu quả chưa cao, cụ thể: Công tác báo cáo chưa kịp thời, công tác thống kê, tổng hợp số liệu chưa chính xác, thiếu thông tin. Kinh phí nhà nước để đảm bảo cho tổ chức các hoạt động về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình ở một số địa phương, nhất là ở các huyện miền núi còn hết sức hạn hẹp nên chưa tổ chức được nhiều hoạt động phong phú, đa dạng.