Gia đình và nhà trường là hai thiết chế, hai môi trường giáo dục chính thức, đặc trưng của từng thiết chế được bộc lộ rõ rệt và bổ sung cho nhau. Giáo dục gia đình mang tính cá biệt của cuộc sống tự nhiên, tình cảm huyết thống, cởi mở linh hoạt thiết thực, thống nhất lợi ích giữa “người dạy và người học”, mặt mạnh này bổ sung cho sự thiếu hụt của giáo dục nhà trường. Lâu nay, phối hợp giữa gia đình và nhà trường còn thiếu chặt chẽ, có sự “khoán trắng” cho nhà trường dạy kiến thức, tri thức phổ thông, còn gia đình giáo dục đạo đức. Chính vì thế chúng ta có cảm giác hai mặt giáo dục bị tách rời nhau, dạy kiến thức và dạy làm người. Trong mối quan hệ gia đình – nhà trường – xã hội, gia đình luôn luôn phải đóng vai trò chủ động tích cực, mặc dù nhà trường phải làm tốt nhiệm vụ trọng tâm là phối hợp, kết hợp và định hướng.
Phối hợp giữa các thiết chế gia đình, dòng họ, cộng đồng với nhà trường và các tổ chức xã hội, đoàn thể trong môi trường xã hội cùng các mặt mạnh vốn có của mỗi thiết chế sẽ bổ sung cho nhau trong quá trình giáo dục trẻ em. Theo đó sẽ có nhiều đóng góp lớn trong việc giáo dục đạo đức, nếp sống, ý thức, tính tổ chức kỷ luật và phát huy mạnh mẽ các năng lực, phẩm chất cá nhân cho trẻ. Ngoài ra, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội trong giáo dục trẻ em. Đa dạng hoá các hình thức hoạt động mang tính cộng đồng để thu hút được sự tham gia một cách tự giác của thế hệ trẻ. Chỉ có tham gia một cách tự giác thì thanh thiếu niên mới phát triển một cách toàn diện về đạo đức, nhân cách, trí tuệ, sức khoẻ, thẩm mỹ… sẽ tạo ra những thế hệ con người mới.