Ngày 30 tháng 11 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 256/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 31-KH/TU ngày 16/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/06/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác gia đình trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh
Mục đích nhằm Triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động số 31-KH/TU ngày 16/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khoá XIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện. Kế hoạch được thực hiện trên cơ sở phát huy hiệu quả cao nhất về nhận thức và hành động, sự phối hợp chặt chẽ của cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội địa phương đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Kế hoạch là căn cứ để các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, bố trí nguồn lực, đưa ra các giải pháp tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra đối với công tác gia đình trong tình hình mới.
Về mục tiêu chung: Nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam; nâng cao năng lực của gia đình trong phát triển kinh tế nhằm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.
Về mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 95% trở lên hộ gia đình được phổ biến, tuyên truyền và cam kết thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; các nội dung kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, chuẩn mực giá trị văn hoá gia đình, kiến thức; các rủi ro đối với gia đình. 95% nam, nữ thanh niên kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Hằng năm, trung bình giảm từ 15 – 20% hộ gia đình có bạo lực; giảm từ 15 – 20% hộ gia đình có bạo lực với trẻ em. Hằng năm, trung bình giảm từ 15 – 20% hộ gia đình có người mắc tệ nạn xã hội. Hằng năm, trung bình giảm từ 20% (khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn giảm 15%) hộ gia đình có người kết hôn dưới tuổi pháp luật quy định. 95% hộ gia đình dành thời gian chăm sóc, dạy bảo con cháu, tạo điều kiện cho con cháu phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức, tinh thần, không phân biệt giới tính. 95% hộ gia đình thực hiện chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo ông, bà, cha mẹ, chăm sóc phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ. 95% cha mẹ có trẻ em dưới 6 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức và kỹ năng về nuôi dạy, chăm sóc con cái; 95% hộ gia đình có người cao tuổi được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật đối với người cao tuổi. 95% hộ nghèo, hộ cận nghèo được cung cấp thông tin về chính sách, phát luật và phúc lợi xã hội. 100% lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, công chức làm công tác gia đình cấp xã được tập huấn, nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực gia đình. Hằng năm có từ 75-80% hộ gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hoá.
Theo đó, nhiệm vụ và giải pháp chính để triển khai, thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/06/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác gia đình, như sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục, truyền thông về chính sách, pháp luật hôn nhân và gia đình; Rà soát, bổ sung, ban hành mới các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về gia đình theo hướng lấy hoạt động của gia đình làm trọng tâm, bảo đảm sự gắn kết xã hội và vai trò của gia đình; Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về công tác xây dựng gia đình tại các cấp chính quyền địa phương; Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ về công tác gia đình.