Ngày 29 tháng 11 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch số 6506/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình hành động số 74-CTr/TU ngày 22/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
Mục đích nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, xác định rõ công tác gia đình là trọng tâm của các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, hướng đến xây dựng gia đình no ấm, tiên bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra, tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc và động lực cho sự phát triển bền vững đất nước. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác xây dựng gia đình, trong đó chú trọng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác gia đình. Phát huy vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Xác định những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030 của các cơ quan, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh và cấp huyện nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc xây dựng gia đình trong tình hình mới.
Theo đó, Nội dung triển khai, thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/06/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác gia đình bao gồm:
Quán triệt chủ trương, đường lối: Tiếp tục phổ biến quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác xây dựng gia đình để cấp ủy đảng, chính quyền các cấp nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới theo Chương trình hành động số 74-CTr/TU ngày 22/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân. Xác định gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước. Gia đình là đối tượng tác động, thực hiện và thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế – xã hội. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những nội dung quan trọng, yêu cầu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng gia đình; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp về công tác xây dựng gia đình. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu gương và vận động Nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, nề nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Quan tâm quản lý những rủi ro tác động tiêu cực đến gia đình, nhất là bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, buôn bán phụ nữ và trẻ em. Khắc phục bệnh thành tích, hình thức trong công tác công nhận danh hiệu “gia đình văn hóa”.
Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình: Tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo để hoàn thiện hệ thống chính sách về gia đình trên địa bàn tỉnh, trong đó lấy gia đình làm trọng tâm, bảo đảm sự gắn kết xã hội và vai trò của gia đình, hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, chú trọng đến đối tượng trẻ em và người bệnh tật, cao tuổi. Phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản đối với gia đình. Hỗ trợ về kiến thức xây dựng gia đình phát triển bền vững, hạnh phúc và thực hiện bình đẳng giới, nói không với việc lựa chọn giới tính thai nhi. Huy động các cá nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ gia đình, chăm sóc sức khỏe, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi, phát huy quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và chăm lo giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình nghèo, khó khăn; bảo đảm gia đình được tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản công bằng, bình đẳng, thuận lợi. Gắn việc thực hiện công tác xây dựng gia đình với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác xây dựng gia đình: Tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu trong Chương trình hành động, thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, trong đó chú trọng việc xây dựng và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc. Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học về gia đình; sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề gia đình. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị và phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc tuyên truyền, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh ở địa phương, đơn vị mình phụ trách. Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về gia đình bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, thống nhất, gắn kết với các lĩnh vực dân số, bình đẳng giới và trẻ em. Tập trung kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực làm công tác gia đình theo hướng tích hợp đa ngành, phân định rõ đào tạo chuyên môn và cán bộ quản lý công tác gia đình. Phát triển hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản đối với gia đình. Mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực xã hội thông qua trợ giúp pháp lý, tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình; hỗ trợ gia đình tiếp cận tín dụng xã hội, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về gia đình: Đẩy mạnh và đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; các chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình; các rủi ro đối với gia đình, giúp người dân chủ động phòng ngừa các ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người Việt Nam giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, khát vọng, hiện đại. Thực hiện có hiệu quả chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình vì sức khỏe, hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước, mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con. Nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong xây dựng gia đình văn hóa, tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, bạo lực gia đình, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; quan tâm quản lý những rủi ro tác động tiêu cực đến gia đình, nhất là bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, buôn bán phụ nữ và trẻ em gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn toàn tỉnh.
Về nhiệm vụ và giải pháp: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với công tác gia đình, xác định công tác gia đình là một trong những nội dung quan trọng trong các kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và xem đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, loại hình đa dạng, phong phú phù hợp với từng nhóm đối tượng và tổ chức các đợt triển khai việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình giúp các gia đình có kiến thức và kỹ năng sống, chủ động phòng chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình, biết chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi trong gia đình, biết kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương. Tăng cường tuyên truyền thực hiện tốt công tác bình đẳng giới trong gia đình, đặc biệt là về việc làm, thu nhập và sinh đẻ có kế hoạch. Quan tâm đến phát triển kinh tế gia đình, xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ có liên quan để góp phần củng cố, ổn định và phát triển kinh tế gia đình; có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình cho các gia đình chính sách, gia đình dân tộc thiểu số, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nhân lực làm công tác gia đình; xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ gia đình và cộng đồng; tạo điều kiện cho mọi gia đình tiếp cận được kiến thức pháp luật, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật và phúc lợi xã hội… Xây dựng chương trình, kế hoạch với các nhiệm vụ cụ thể, sát thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Nội dung phải xác định rõ mục tiêu, tiến độ, sản phẩm cụ thể trong việc triển khai thực hiện Chương trình hành động số 74-CTr/TU ngày 22/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thường xuyên kiểm tra, giám sát trong việc thể chế hóa chủ trương của Đảng; việc thực thi chính sách, pháp luật về gia đình, công tác gia đình và các lĩnh vực có liên quan đối với cơ quan quản lý nhà nước.