Ngày 22 tháng 11 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 216/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 57-KH/TU, ngày 06/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
Mục đích nhằm Quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp Chỉ thị số 06-CT/TW, Kế hoạch số 57-KH/TU; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác xây dựng gia đình; nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và mọi người dân về công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động các tổ chức chính trị – xã hội, cộng đồng dân cư, gia đình và từng cá nhân tham gia vào công tác xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; gắn với thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và người cao tuổi, đáp ứng nguồn nhân lực phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Hòa Bình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Theo đó, Nội dung triển khai, thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/06/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác gia đình bao gồm:
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về công tác gia đình trong tình hình mớ: Huy động các nguồn lực và sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức
chính trị – xã hội, cộng đồng dân cư, gia đình và toàn xã hội trong công tác xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác gia đình; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu về công tác gia đình gắn với thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các ngành, địa phương. Triển khai kịp thời có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh; lồng ghép công tác gia đình với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” gắn với nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tăng cường xã hội hóa huy động các nguồn lực thực hiện các mục tiêu xây dựng gia đình; triển khai thực hiện nghiên cứu đề tài khoa học về gia đình và công tác phòng, chống bạo lực trong gia đình trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng cơ chế, chính sách về công tác gia đình: Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản đối với gia đình; mạng lưới dịch vụ ngoài công lập tạo điều kiện để các gia đình và các thành viên gia đình khi bị bạo lực gia đình được tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản bình đẳng và thuận lợi. Xây dựng cơ chế chính sách huy động các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư, các dòng họ, cá nhân tham gia hỗ trợ tạo điều kiện thực hiện công tác xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh trên địa bàn tỉnh. Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ các hộ nghèo, khó khăn, phụ nữ yếu thế phát triển kinh tế gia đình; hỗ trợ gia đình phát triển bền vững, hạnh phúc và thực hiện bình đẳng giới; nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình; đầu tư cho nghiên cứu, hợp tác ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực gia đình trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về gia đình: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về công tác gia đình; tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng về vị trí, vai trò của gia đình trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực gia đình; phát vai trò của các cơ quan truyền thông và các tổ chức chính trị – xã hội trong công tác tuyên truyền vận động; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để tuyên truyền về công tác gia đình. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác gia đình gắn với hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3); Ngày Quốc tế gia đình (15/5); Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); Ngày Quốc tế Người cao tuổi (01/10); Ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10); Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11). Tổ chức phát động các cuộc thi sáng tác những tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề gia đình để tuyên truyền giới thiệu gương người tốt, việc tốt và phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về công tác gia đình trên địa bàn tỉnh. Biên soạn, phát hành các ấn phẩm, tài liệu, tranh ảnh, video clip tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh trên địa bàn tỉnh.
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác gia đình: Bố trí nguồn ngân sách phù hợp để thực hiện công tác gia đình; kết hợp xã hội hóa các nguồn hợp pháp của các tổ chức, cá nhân cho công tác xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh trên địa bàn tỉnh. Sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí từ các Chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản đối với gia đình; công tác điều tra cơ bản về bạo lực gia đình và triển khai các chương trình ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác gia đình. Thực hiện tốt chính sách đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, các chính sách về giáo dục, y tế, bảo vệ chăm sóc trẻ em và người cao tuổi; tạo điều kiện cho mọi gia đình tiếp cận được các dịch vụ và phúc lợi xã hội. Tạo điều kiện để phát triển các loại hình kinh tế hộ gia đình; hỗ trợ các gia đình áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất lao động, từng bước nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân.
Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về công tác gia đình: Củng cố, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác gia đình các cấp; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực gia đình. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bình đẳng giới và các văn bản có liên quan đến công tác gia đình trên địa bàn tỉnh. Kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác quản lý nhà nước về gia đình trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt các chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình; thực hiện bình đẳng giới; triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh. Xây dựng mạng lưới dịch vụ công đảm bảo hỗ trợ gia đình và các thành viên gia đình khi bị bạo lực gia đình; tổng hợp đầy đủ cơ sở dữ liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng về công tác gia đình cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở theo hướng tích hợp đa ngành để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; xây dựng chế độ cho lực lượng cộng tác viên dân số gắn với làm công tác gia đình ở thôn, xóm, tổ dân phố.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và người dân trong công tác gia đình: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị – xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình trong tình hình mới; cập nhật kiến thức, kỹ năng, nâng cao nhận thức, năng lực, tính chủ động cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong công tác gia đình và xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các chương trình, kế hoạch về công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới của tổ chức mình; huy động các nguồn lực hỗ trợ cho công tác gia đình; phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, giới thiệu, nhân rộng các mô hình tốt, gương điển hình trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, đồng thời phê phán, lên án những hành vi vi phạm pháp luật về công tác gia đình trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội về công tác gia đình; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác gia đình và xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình: Tiếp tuc triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị – xã hội từ tỉnh đến cơ sở, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình: Tiếp tuc triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, cung cấp các chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình; xây dựng môi trường văn hóa, con người Việt Nam giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, khát vọng, hiện đại; chú trọng nâng cao giá trị đạo đức, giáo dục lối sống đối với các thành viên trong gia đình để mọi người dân phát triển toàn diện, có sức khỏe, trình độ, phẩm chất đạo đức, năng lực để hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Hòa Bình.
Kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW và Kế hoạch số 57-KH/TU phải sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn; lồng ghép công tác xây dựng gia đình với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; triển khai thực hiện công tác gia đình phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả.