Ngày 06 tháng 7 năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số 61/KH-SVHTTDL về việc triển khai thực hiện Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2022
Mục đích của Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; Bình đẳng giới; tăng cường phòng, chống bạo lực gia đình thông qua việc triển khai thực hiện công tác phòng ngừa, can thiệp và hỗ trợ phòng, chống bạo lực gia đình; Khuyến khích phát huy những truyền thống tốt đẹp của con người và vận động người dân xóa bỏ các tập quán cổ hủ trong hôn nhân và gia đình, từng bước ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc bền vững.
Theo đó, nội dung triển khai thực hiện Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2022 gồm:
Công tác tuyên truyền: Thông qua công tác truyền thông, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của nhân dân, cán bộ các cấp những quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; xử lý hành vi vi phạm pháp luật góp phần thay đổi hành vi theo hướng tích cực, tiến bộ; tạo sự đồng thuận và ủng hộ của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Các cơ quan truyền thông đại chúng Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Bình Dương, trang thông tin điện tử tỉnh phổ biến rộng rãi nội dung, thông tin liên quan đến chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng, phát sóng và phát thanh các chương trình chuyên mục, chuyên trang (tọa đàm, phim tài liệu và phóng sự chuyên đề tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới,…); giới thiệu các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong việc phòng, chống bạo lực gia đình; phát hiện, phê phán hành vi vi phạm, xúi giục, cản trở, bao che các hành vi bạo lực gia đình; Tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với Phụ nữ và trẻ em gái (25/11) hàng năm. Phát hành tài liệu truyền thông (tờ rơi, pano, áp phích tuyên truyền), tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, họp mặt, giao lưu, biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu; Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các thông tin, thông điệp về phòng, chống bạo lực gia đình đến đông đảo người dân (xây dựng kịch bản, thông tin cổ động, tiểu phẩm văn nghệ, tổ chức các hoạt động văn hóa quần chúng); phát động các cuộc thi viết tìm hiểu về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và những văn bản liên quan về phòng, chống bạo lực gia đình; Thông qua các Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, tổ chức các hoạt động văn hóa và thể thao để phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, phê phán hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới. Tôn trọng các quyền cơ bản của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và các thành viên khác trong gia đình; Chú trọng nội dung tuyên truyền, giáo dục, vận động về đạo đức, lối sống trong gia đình, trách nhiệm của các thành viên gia đình trong thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình.
Phòng ngừa bạo lực gia đình, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình: Duy trì và nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng; duy trì, phát triển hộp thư, số điện thoại tiếp nhận thông tin, đường dây nóng, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng hiện có tại các khu phố, ấp; xã, phường, thị trấn để trực tiếp tiếp nhận thông tin về bạo lực gia đình tiến hành xử lý, ngăn chặn kịp thời những hành vi bạo lực gia đình; Thực hiện việc chăm sóc y tế ban đầu, tư vấn về sức khỏe cho nạn nhân cho nạn nhân bạo lực gia đình; tùy theo khả năng và điều kiện thực tế, bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình trong thời gian không quá một ngày theo yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình(theo tinh thần Thông tư số 16/2009/TT-BYT ngày 22/9/2009 của Bộ Y tế về Hướng dẫn việc tiếp nhận, chăm sóc và thống kê, báo cáo với người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh); Nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng. Xây dựng các mô hình dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, hỗ trợ người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình; mô hình phòng, chống khủng hoảng tâm thần cho người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình.
Can thiệp, xử lý vi phạm: Quản lý, giáo dục, tư vấn cho các thành viên gia đình, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao dẫn tới bạo lực gia đình. Các ngành, các cấp, đặc biệt là ở cơ sở cần xác định và quản lý tốt các đối tượng có nguy cơ dẫn đến bạo lực gia đình như: người có tiền sử về hành vi bạo lực gia đình, nạn nhân bạo lực gia đình, người nghiện rượu, ma túy, đánh bạc, người chuẩn bị kết hôn… qua đó, có biện pháp tuyên truyền giáo dục, tư vấn thích hợp nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình ngay trong gia đình; Can thiệp, xử lý kịp thời các vụ bạo lực gia đình. Tổ chức góp ý, phê bình tại cộng đồng dân cư đối với người gây bạo lực gia đình; áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người gây bạo lực gia đình tại địa bàn xảy ra vụ việc; Chủ động phối hợp mô hình phòng, chống bạo lực gia đình (Ban chủ nhiệm CLB, nhóm PCBLGĐ, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, đường dây nóng) và quần chúng nhân dân để kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý các vụ bạo lực gia đình.
Tổ chức thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình theo Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL ngày 29/12/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.