Ngày 13 tháng 01 năm 2022, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 06/KH-BCĐ về việc thực hiện nhiệm vụ công tác gia đình năm 2022
Mục đích của Kế hoạch nhằm quán triệt, phổ biến, triển khai thực hiện kịp thời quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình trong tình hình mới. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, các cá nhân, gia đình và cả cộng đồng về tầm quan trọng của công tác gia đình góp phần xây gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm chính về công tác gia đình năm 2022, cụ thể như sau:
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các kế hoạch, chương trình công tác gia đình giai đoạn 2022 – 2030: Kế hoạch thực hiện Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam theo Quyết định 2238/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30 tháng 12 năm 2021 về phê duyệt Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030. Kế hoạch thực hiện Chương trình Phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2030 theo Quyết định số 2074/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24 tháng 6 năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới giai đoạn 2021-2030. Kế hoạch thực hiện Chương trình Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm đến năm 2030. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách, pháp luật liên quan đến công tác gia đình.
Các hoạt động cụ thể trong năm 2022: Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Triển khai thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”. Tổ chức các hoạt động nhân Ngày quốc tế hạnh phúc 20/3/2022 với Chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”; ngày Gia đình Việt Nam 28/6 với Chủ đề “Gia đình bình an – Xã hội hạnh phúc” gắn với thực hiện Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, tháng hành động phòng chống ma túy… Xây dựng, biên soạn, sưu tầm các ấn phẩm, tài liệu để tuyên truyền về công tác gia đình; Chỉ đạo, định hướng tuyên truyền về xây dựng gia đình kiểu mẫu, gắn với giáo dục rèn luyện nhân cách của các thành viên trong gia đình, nhất là thế hệ trẻ; tuyên truyền về xây dựng, quảng bá hình ảnh con người Vĩnh Phúc. Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; rà soát , triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả, mô hình mới về xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình… nhằm kịp thời phát hiện các vụ bạo lực gia đình và hỗ trợ hiệu quả nạn nhân bạo lực gia đình tại địa phương. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác gia đình theo chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương; Điều tra, thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định tại Thông tư số 07/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng hợp, đánh giá tình hình, kết quả chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác gia đình thuộc phạm vi trách nhiệm của sở, ngành, đồng thời thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định. Thực hiện các hoạt động khác do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh phân công, chỉ đạo thực hiện các hoạt động của ngành về công tác gia đình.
Công tác tuyên truyền: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phổ biến, triển khai thực hiện kịp thời quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình trong tình hình mới; công tác phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, từng bước ổn định, ngăn chặn các tệ nạn xã hội ảnh hưởng đến gia đình và xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội. Lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, các gia đình điển hình, tiêu biểu, đề cao những giá trị nhân văn, văn hoá truyền thống tốt đẹp của gia đình gắn với phát triển con người trên địa bàn tỉnh. Thông qua các phương tiện thông tấn báo chí, truyền thông đại chúng của Trung ương, địa phương; tuyên truyền trực quan như: băng rôn, cờ phướn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích lắp dựng tại các nơi công cộng và nơi tập trung đông người, đông dân cư; tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn, hội thảo, sinh hoạt câu lạc bộ, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề phù hợp với tình hình thực tế; biên tập in ấn tờ rơi, tờ gấp, in sao phát hành tài liệu tuyên truyền.
Kiểm tra, giám sát: Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh xây dựng kế hoạch, phân công thành viên BCĐ kiểm tra, giám sát thực hiện các nhiệm vụ về công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình ở cơ sở.