Thực tế cho thấy, BLGĐ có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với phụ nữ nhưng vẫn có không ít người chấp nhận phương án “đóng cửa bảo nhau” hoặc im lặng và chịu đựng mà không tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý nào để đòi lại công bằng cho bản thân. Sự im lặng và cam chịu bạo lực của các nữ nạn nhân có nguồn gốc từ các quan niệm và giá trị truyền thống về vị trí và vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Phần đông phụ nữ khi được hỏi vẫn cho rằng phụ nữ cần dịu dàng, mềm mại, nhẫn nhịn, kín đáo…; sau khi lấy chồng, phụ nữ về nhà chồng thì phải tôn trọng, nhường nhịn và phục tùng chồng vì chồng là chủ gia đình, là thể diện của gia đình. Chính vì vậy, một số người quan niệm rằng, hành vi bạo lực trong một số trường hợp là có thể chấp nhận được, chẳng hạn như trong quan hệ vợ chồng thì vợ phải phục tùng chồng, nếu vợ mà có lỗi hoặc vợ không chiều theo ý muốn của chồng thì chồng có thể đánh để dạy vợ. Các “lỗi” mà không ít nạn nhân tự nêu ra như “vợ nói nhiều”, “vợ không đáp ứng được nhu cầu tình dục của chồng”, “vợ không làm ra được nhiều tiền bằng chồng”… thể hiện rằng áp lực xã hội lệch lạc vẫn đang đè nặng lên người phụ nữ.
Khi BLGĐ xảy ra, bản thân người phụ nữ thường cảm thấy xấu hổ và có lỗi do không đảm nhận tốt vai trò “giữ lửa” của mình. Áp lực xã hội trước nỗi lo bị mang tiếng như “không biết làm vợ”, “không biết chiều chồng”, “loại đàn bà vô phúc”… là lý do khiến nhiều phụ nữ bị BLGĐ không dám nói ra vấn đề của họ. Nỗi ám ảnh về nguy cơ bị mang tiếng không chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân các nữ nạn nhân. Nhiều phụ nữ không muốn nói ra tình trạng bị bạo lực của mình vì họ muốn giữ thể diện cho gia đình, không muốn làm ảnh hưởng xấu tới các thành viên khác trong gia đình, thậm chí là không muốn làm xấu hình ảnh của người chồng đã cư xử không tốt với họ. Do đó, có không ít nạn nhân đã phải tự “bịa” ra lý do giải thích cho những thương tích mà người chồng gây ra trên cơ thể mình như “chồng đánh cho thâm tím mặt mày mà cứ phải nhận là mình bị ngã”.
Tương tự, đối với các trường hợp bị bạo lực kinh tế và tinh thần, cũng có không ít ý kiến trả lời phỏng vấn ở tất cả các địa bàn nghiên cứu cho rằng phụ nữ bị bạo lực nên im lặng vì “nói ra thì xấu chàng hổ ai”, và họ lo sợ “làm con cái xấu hổ với bạn bè nó”, “làm mất sĩ diện của chồng”, “làm mất hình ảnh của chồng”, “khiến chồng thêm tức giận”. Đặc biệt, đa số phụ nữ bị bạo lực tình dục chọn cách giữ im lặng, bởi vì họ quan niệm “tình dục là việc riêng tư chỉ giữa vợ với chồng”, “tình dục là điều cấm kỵ, không nên nói ra”, và hơn thế, “việc thỏa mãn chồng là trách nhiệm của người vợ, nói ra xấu hổ lắm”.
Một số nạn nhân tin rằng, giữ im lặng là giải pháp an toàn cho chính bản thân phụ nữ, với những lý do khá đa dạng. Với định kiến truyền thống, nhiều người cho rằng, việc chia sẻ chuyện bị chồng cư xử tệ bạc với cha mẹ đẻ và anh, chị em ruột – những người gần gũi và đáng tin cậy nhất – cũng không giải quyết được tình trạng của họ. Chính vì vậy, vẫn còn có trường hợp mặc dù phải chịu bạo lực thường xuyên nhưng nhiều nữ nạn nhân vẫn kiên quyết không nói cho người thân biết chuyện. Một số phụ nữ lo sợ việc nói chuyện trong nhà ra với người ngoài, ngay cả với những người có thẩm quyền thì vẫn không giải quyết được vấn đề của họ, thậm chí còn có thể khiến cho người chồng thêm tức giận, cư xử tệ hơn, hạnh phúc gia đình tan vỡ. Một số nạn nhân khác lại chọn cách im lặng bởi họ không tin rằng công an hay hệ thống tư pháp, các cơ quan chức năng có thể ngăn chặn tình trạng bạo lực hoặc có thể giúp đỡ, bảo vệ họ.
Như vậy, im lặng và chịu đựng bạo lực đang là cách mà một bộ phận phụ nữ chọn để gìn giữ hạnh phúc gia đình. Đây là giải pháp mang tính tiêu cực bởi nó không giải quyết hay làm thay đổi được nguyên nhân dẫn đến các hành vi bạo lực. Bản chất của việc gây bạo lực thường là nhằm kiểm soát quyền lực nên một khi người chồng còn muốn khẳng định vị thế của họ cao hơn so với vợ thì nhiều khả năng họ còn tiếp tục có các hành vi bạo lực. Nhiều phụ nữ cho biết dù không có lý do gì chính đáng thì người chồng vẫn có thể đánh họ. Vì thế, cho dù họ im lặng và chịu đựng, các hành vi bạo lực vẫn không chấm dứt mà ngược lại, vẫn tiếp tục tái diễn.