Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành công văn 3839/BVHTTDL-PC về việc hưởng ứng ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2022.
Theo đó, các nội dung trọng tâm được xác định hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam là việc làm hàng ngày, thường xuyên của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Căn cứ điều kiện thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chủ động, linh hoạt tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2022 với chủ đề:
– “Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cán bộ, công chức, viên chức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực tham gia hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật”.
– “Tăng cường truyền thông chính sách pháp luật, góp phần tạo đồng thuận xã hội và đưa pháp luật vào cuộc sống”.
– “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trách nhiệm, sáng tạo, thực hiện hiệu quả công vụ”.
Căn cứ điều kiện thực tế và nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương, các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2022 cần tập trung vào một số nội dung sau:
a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của Ngày pháp luật Việt Nam; gắn việc hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2022 với tổng kết 10 năm thi hành Luật PBGDPL; Kế hoạch tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày pháp luật nước Việt Nam năm 2022 theo Quyết định số 1908/QĐ-HĐPH ngày 26/9/2022 Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương; các nội dung đã được xác định trong Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
b) Tổ chức phổ biến nội dung cơ bản của các luật, pháp lệnh, văn bản mới ban hành có hiệu lực năm 2021, 2022, trọng tâm là Luật Điện ảnh năm 2022; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Nghị định số 22/2022/NĐ- CP ngày 25/3/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh; Nghị định số 30/2022/NĐ-CP ngày 19/5/2022 của Chính phủ quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia; Nghị định số 67/2022/NĐ-CP ngày 21/9/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đô thị văn minh và các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành năm 2022.
c) Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các vấn đề gắn với nhiệm vụ trọng tâm của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chủ đề công tác năm 2022 “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”; những lĩnh vực, vấn đề nóng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngành được dư luận xã hội quan tâm. Kịp thời thông tin, phản ánh, lan tỏa, tôn vinh gương sáng trong xây dựng, thi hành pháp luật, góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong toàn xã hội; tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” theo Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuyên truyền về kết quả Cuộc thi “Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
d) Tăng cường giáo dục ý thức tôn trọng, bảo vệ và chấp hành pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; lồng ghép PBGDPL với các chương trình, cuộc vận động, phong trào của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Về hình thức tổ chức: Căn cứ vào điều kiện thực tế, các cơ quan, đơn vị, các Sở có thể lựa chọn các hình thức tổ chức hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2022 cho phù hợp, thiết thực, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; chú trọng đổi mới, đa dạng các hình thức hưởng ứng một cách linh hoạt, tiết kiệm và có sức lan tỏa sâu rộng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xã hội hóa trong việc tổ chức thực hiện, trọng tâm vào các hình thức sau:
Tập trung huy động và triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2022 trên phương tiện thông tin đại chúng, Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng viễn thông, mạng xã hội; thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm giao lưu, đối thoại chính sách, pháp luật hoặc hình thức khác phù hợp với cơ quan, đơn vị.
Tổ chức lồng ghép hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2022 kết hợp với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế, hướng về tuyến cơ sở, vùng biên giới, hải đảo.
Tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về Ngày pháp luật Việt Nam năm 2022 tại trụ sở cơ quan, đơn vị. Về khẩu hiệu, đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ động lựa chọn khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến về Ngày pháp luật Việt Nam (có thể tham khảo và sử dụng một số khẩu hiệu do Bộ Tư pháp cung cấp tại chuyên mục “Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp).
Tăng cường PBGDPL theo các nhóm đối tượng, trước hết với nhóm đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, pháp luật, trọng tâm với công chức, viên chức, người lao động, văn nghệ sỹ, vận động viên, huấn luyện viên thuộc phạm vi quản lý và các đối tượng đặc thù.
Tăng cường tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; cung cấp tài liệu phổ biến pháp luật bằng các hình thức phù hợp.
Xây dựng, phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả; biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt, điển hình trong xây dựng, thi hành pháp luật, PBGDPL.