Quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bạo lực gia đình: Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 35 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Khoản 4 Điều 2, Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Chỉ đạo cơ quan có chức năng thực hiện bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng can thiệp, hỗ trợ về phòng, chống bạo lực gia đình cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình; nhân viên y tế của trạm y tế xã, phường, thị trấn về chuyên môn chăm sóc y tế ban đầu, tư vấn về sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình trong phạm vi quản lý; Chỉ đạo việc phổ biến luật pháp, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình lồng ghép trong nội dung sinh hoạt của thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố, cụm dân cư; Hướng dẫn việc thu thập dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình từ thôn, ấp tổ dân phố hoặc đơn vị tương đương theo Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tăng cường công tác kiểm tra tình hình thực thi nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình tại các cơ quan, tổ chức và Ủy ban nhân dân cấp dưới trong phạm vi quản lý. Đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng về phòng, chống bạo lực gia đình; Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình đến năm 2020 đạt trên 95% số nạn nhân bạo lực gia đình được phát hiện nhận được dịch vụ tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân; trên 95% số người có hành vi bạo lực gia đình được phát hiện được giáo dục chuyển đổi hành vi; Nhân rộng và duy trì Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đến các xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đạt trên 95% số xã, phường, thị trấn thuộc quận, thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh là đồng bằng và 70% số xã/thị trấn đối với địa bàn miền núi, hải đảo.
Hoạt động tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình
Chủ đề truyền thông và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2019:“Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội”.
Nội dung và hình thức tuyên truyền:
Nội dung: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình nhằm đạt được chỉ tiêu của mỗi tỉnh, thành có trên 95% hộ gia đình được tiếp cận thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình; Tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn quản lý. Đặc biệt, ưu tiên nguồn lực thực hiện tuyên truyền dịp Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (từ ngày 01 đến hết ngày 30 tháng 6 hằng năm) và hưởng ứng Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với Phụ nữ (25/11) nhằm tạo hiệu ứng tích cực nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn; phát hiện và xử lý kịp thời hành vi bạo lực gia đình, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn.
Hình thức: Tổ chức các hình thức như: mít tinh, diễu hành; tăng cường thời lượng, chuyên mục tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình trên các cơ quan truyền thông của địa phương (đài phát thanh-truyền hình; các cơ quan báo chí địa phương; trang thông tin điện tử; hệ thống loa truyền thanh); tổ chức hội thảo; hội nghị; nói chuyện chuyên đề; các hoạt động giao lưu/hội thi về Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; trình diễn văn nghệ, thời trang; vẽ tranh, thi thể thao gia đình gắn với chủ đề phòng, chống bạo lực gia đình;…. xây dựng các băng rôn; áp phích treo ở những khu đông dân cư; lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình trong sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể ở cộng đồng dân cư.