Sáng ngày 23 tháng 11 năm 2021 tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã diễn ra cuộc họp về việc lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Tham dự cuộc họp có đại diện Bộ GD&ĐT; Bộ TT & TT; Bộ LĐTBXH; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Về phía Bộ VHTTDL có sự tham gia của Vụ gia đình
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21 tháng 10 năm 2007, có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 7 năm 2008. Sau hơn 13 năm thi hành Luật, nhận thức của người dân, cộng đồng và chính quyền các cấp đã chuyển biến tích cực. Trách nhiệm PCBLGĐ không chỉ riêng của một ngành, một cấp mà thuộc trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Mọi hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ) đều bị lên án và xử lý. Tình trạng BLGĐ đã có xu hướng giảm đáng kể theo từng năm cả về số vụ và mức độ bạo lực.
Mặc dù đạt được kết quả nêu trên, song tình trạng BLGĐ vẫn còn diễn biển phức tạp, khó lường. Một số địa phương vẫn xảy ra các vụ BLGĐ nghiêm trọng. Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ LĐTBXH, Tổng Cục thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy: Có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bao lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ từ lực lượng chức năng. Kết quả điều tra này còn cho thấy, BLGĐ với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP mỗi năm.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã nêu ra những điều liên quan trực tiếp đến 6 cơ quan: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội, Bộ Thông tin, Truyền thông, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Tại cuộc họp này, rất mong sự đóng góp ý kiến trực tiếp của các đại biểu vào những vẫn đề liên quan đến ngành của mình.
Tại cuộc họp đại diện các cơ quan đã đưa ra nhiều ý kiến trao đổi góp ý cho dự thảo Luật. Các ý kiến đóng góp của các đại biểu và các đại biểu đã gợi mở rất nhiều vấn đề để hoàn thiện xây dựng dự thảo Luật.