Sáng ngày 06/8, diễn ra Hội nghị trực tuyến (04 cấp: từ cấp Trung ương đến cấp xã) về công tác bảo vệ trẻ em, giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tại điểm cầu Chính phủ, ông Nguyễn Xuân phúc – Thủ tướng Chính phủ, ông Vũ Đức Đam – Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì. Tại Phòng họp số 2, điểm cầu Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tỉnh Kiên Giang, ông Đỗ Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan đến dự.
Khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu: “Trẻ em là tương lai của đất nước. Trẻ em là nguồn hạnh phúc của mỗi gia đình”. Mỗi người, mỗi gia đình và cả xã hội cần dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất. Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới và là quốc gia đầu tiên ở Châu Á phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em. Việt Nam đạt trước thời hạn các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ liên quan trực tiếp đến trẻ em và hiện đang tích cực triển khai các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp quốc, trong đó, có nhiều mục tiêu trực tiếp liên quan đến trẻ em. Mặc dù, đã rất nổ lực và đạt nhiều thành tựu trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, nhưng không ít trẻ em vẫn chưa nhận được sự quan tâm cần thiết, thậm chí bị xâm hại cả về thể chất và tinh thần…
Hội nghị hôm nay, sẽ tập trung vào công tác bảo vệ trẻ em, trách nhiệm và các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em đã được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật. Đặc biệt, Luật Trẻ em năm 2016, nghị định, quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. Nghị định, quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, cùng nhiều văn bản pháp luật khác đã quy định rất cụ thể trách nhiệm của các cấp chủ thể từ Trung ương đến cơ sở, từ các cấp ủy Đảng đến cơ quan Nhà nước, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội. Nhận thấy, tầm quan trọng công tác bảo vệ trẻ em và cụ thể tình trạng xâm hại trẻ em có nguy cơ gia tăng, nếu không được sự chú trọng đặc biệt. Đây là lần đầu tiên, tổ chức Hội nghị toàn quốc về bảo vệ trẻ em. Đề nghị, tập trung vào thực trạng, công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Phân tích nguyên nhân bất cập, các giải pháp cụ thể và cần tập trung vào khâu tổ chức thực hiện…
Năm 2017, có trên 1.800 trẻ em tử vong do đuối nước. Đây vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên tại Việt Nam, chiếm khoảng 50% các trường hợp tử vong; mỗi năm, trung bình Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại bị phát hiện và giải quyết, trong đó, trẻ em bị xâm hại tình dục, chiếm hơn 60%. Những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, bị xử lý. Có 28 tỉnh, thành trong năm 2016 hoặc 2017 có từ 30 đến 110 trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trong các vụ việc bị xử lý hình sự. Theo kết quả phân tích 479 ca can thiệp cho nạn nhân là trẻ em bị xâm hại tình dục từ năm 2015 đến tháng 4/2018 của đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em số 18001567 và Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111: Tỷ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ,…) là 21,3%, bởi giáo viên, nhân viên nhà trường là 6,2%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, bởi các đối tượng khác là 12,6%. Ước tính khoảng 68,4% trẻ em từ 01 – 14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình.
Theo Báo cáo “Một gương mặt quen thuộc – Bạo lực trong cuộc sống của trẻ em và trẻ vị thành niên” của UNICEF năm 2017, trong số 75 quốc gia được thống kê, Việt Nam xếp thứ 49, sau Myanmar xếp thứ 30, Malaysia xếp thứ 40,… Ở Việt Nam, có khoảng 20% trẻ em dưới 08 tuổi cho biết bị kỷ luật bằng bạo lực thể chất. Phân tích số liệu ở Ethiopia, Ấn Độ, Peru và Việt Nam cho thấy bạo lực trong trường học, gồm cả thể chất và ngôn ngữ do cả giáo viên lẫn bạn bè gây ra. Đây là lý do phổ biến nhất, khiến cho trẻ em không thích đi học, đồng thời liên quan đến kết quả kém về toán học, kém tự tin và tự trọng; ba năm gần đây, số lượng vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý ở Việt Nam có giảm nhưng tỷ lệ giảm không nhiều (năm 2016 giảm 4,4% so với năm 2015, năm 2017 giảm 3% so với năm 2016). Tuy nhiên, tính chất vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Qua tình hình trên, giải pháp và nhiệm vụ trong thời gian tới của Chính phủ và chính quyền địa phương là: Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, hình sự, tố tụng hình sự, giám định tư pháp đối với hành vi vi phạm quyền trẻ em; phối hợp thực hiện và cụ thể hóa 07 nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với các vụ án liên quan đến ngưới chưa thành niên của Bộ Luật Tố tụng hình sự (Điều 414) và 10 yêu cầu về bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng của Luật Trẻ em (Điều 70), nhằm tăng cường hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử; đổi mới, cập nhật nội dung, hình thức truyền thông, giáo dục về bảo vệ trẻ em. Ưu tiên tăng cường nhận thức về vai trò, trách nhiệm và trang bị kiến thức, kỹ năng cho các thành viên trong gia đình, bao gồm kỹ năng làm cha mẹ, trẻ em trong việc bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, xử lý các hành vi, xâm hại trẻ em; truyền thông, giáo dục về phối hợp gia đình – nhà trường – xã hội để phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tập trung các cộng đồng dân cư, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có nhiều vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; nghiêm túc thực hiện Nghị định số 56/2017/NĐ-CP, ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em và Chỉ thị số 18/CT-TTg, ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; cùng với các biện pháp hữu hiệu khác để làm tốt công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong tình hình hiện nay.
Đa số đại biểu tham dự tại các điểm cầu cơ bản thống nhất với báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và nêu một số giải pháp cấp bách trong tình hình hiện nay: Nâng cao ý thức, trách nhiệm và công tác phối hợp với các lực lượng có liên quan để giảng dạy kỹ năng sống cho các em trong gia đình, nhà trường và xã hội; ban hành các văn bản hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng, bố trí lực lượng cho đội ngũ công chức, viên chức và cộng tác viên có chuyên môn phụ trách, đồng thời có chính sách hỗ trợ. Đây là lực lượng tuyên truyền, phổ biến đến gia đình, cộng đồng dân cư, các khu vui chơi; đề nghị Chính phủ phải đánh giá được tình hình, mức độ nghiêm trọng, tăng, giảm của vụ việc. Giải pháp nào thì gắn với tình hình, nguyên nhân đó mới đánh giá được thực tế…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Cần phải thay đổi nhận thức và công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp có liên quan đến trẻ em. Đây là trách nhiệm của gia đình, trường học và xã hội, các cấp, các ngành là rất quan trọng; các cấp chính quyền và địa phương quan tâm hơn đến công tác giáo dục, hướng dẫn có liên quan đến quyền trẻ em; trong nhà trường cần bổ sung thêm kiến thức pháp luật trong quá trình giảng dạy; bố trí người làm công tác quản lý trẻ em ở cấp xã gắn với việc giám sát, đánh giá kết quả thực hiện; xử lý nghiêm hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
Phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong công tác bảo vệ trẻ em. Toàn xã hội, tiếp tục giáo dục, bảo vệ trẻ em kết hợp với Chương trình nông thôn mới; đề nghị các tổ chức chính trị – xã hội, cộng đồng dân cư, chung tay phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng, chống nạn đuối nước; tiếp tục vận động nguồn lực xã hội, hỗ trợ khắc phục khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; tăng cường các chuyên mục, diễn đàn, mô hình phòng, chống nạn bạo lực, xâm hại trẻ em có hiệu quả để tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân trên sóng truyền hình, phát thanh, các trang báo mạng điện tử để nâng tầm hiểu biết đến đông đảo quần chúng nhân dân trên cả nước.
Nguồn: vpubnd.kiengiang.gov.vn