Hoạt động tư vấn và chăm sóc sức khỏe trước hôn nhân được quan tâm, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 3854/QĐ-BYT ngày 26/6/2018 về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Đề án Tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân giai đoạn 2018-2025. Tại các tỉnh, thành, dịch vụ tư vấn và kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố (494 huyện và 3.523 xã). Hiện nay, đã lồng ghép các dịch vụ tư vấn và kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn với các hoạt động cung cấp thông tin và dịch vụ thích hợp cho VTN/TN, các hoạt động can thiệp giảm thiểu tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Các đối tượng nam, nữ thanh niên trước khi đăng ký kết hôn được cung cấp lợi ích, kiến thức, kỹ năng về hôn nhân, gia đình, sinh đẻ và nuôi con…
Đặc biệt, mô hình Tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân hiện đang duy trì hoạt động tại 445 huyện và 2.767 xã. Tổng số có 3.914 câu lạc bộ tiền hôn nhân với 160.840 thành viên. Tổ chức được 4.472 hội thảo, buổi nói chuyện chuyên đề thu hút được 169.554 người tham gia. Thành viên CLB là nam, nữ thanh niên được tham gia trao đổi kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe, khám sàng lọc…. Mô hình tư vấn SKSS ở các tỉnh qua các năm đã tạo được tiền đề quan trọng để duy trì các câu lạc bộ, các nhóm sinh hoạt đồng đẳng tại cộng đồng, mang tính chất thường xuyên và có sự lồng ghép chặt chẽ vào nội dung sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể. Từ năm 2018-2019, đã tổ chức tư vấn cho 494.925 đối tượng và khám sức khỏe cho 89.089 đối tượng trong đó siêu âm 8.717 và phát hiện 4.513 người mang bệnh.
Lồng ghép GDTHN trong chương trình học: Tại Việt Nam, chương trình học tại các trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện thí điểm chương trình Giáo dục gia đình, SKSS và Giáo dục Dân số với sự hỗ trợ của UNFPA và UNESCO tại 17 trong số 29 tỉnh của cả nước, tuy vậy chưa đạt được nhiều kết quả, tâm lý e ngại khi chia sẻ, quá tải nội dung học tập. Các nghiên cứu đã chỉ ra, việc thiết kế chương trình ngoại khóa mang lại hiệu quả tốt hơn, cải thiện kiến thức về SKSS cho các em học sinh.
Các dịch vụ tư vấn, GDTHN trong cộng đồng: các dịch vụ này thường không sẵn có và chất lượng dịch vụ không đồng đều và các can thiệp mới dừng ở quy mô thí điểm, chưa nhân rộng mô hình, chủ yếu là do thiếu kinh phí và chương trình không lồng ghép/kết hợp với các hoạt động thường qui ở địa bàn can thiệp. Hiện nay, cung cấp thông tin sử dụng các cách tiếp cận truyền thống là chính và việc áp dụng một số các hình thức truyền thông sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông như trò chơi tương tác qua mạng, đường dây nóng, m- health (mobile health)…, chỉ ở qui mô hẹp của dự án thí điểm và chưa có các bằng chứng mạnh mẽ về kết quả thay đổi hành vi của thanh thiếu niên. Việc phổ biến các kết quả rộng rãi cũng như vận động về khả năng mở rộng để đảm bảo tính bền vững còn hạn chế.
Dịch vụ thân thiện với thanh thiếu niên trước hôn nhân tại các cơ sở y tế: là cách tiếp cận hiệu quả, đã được hướng dẫn thực hiện trong triển khai các dịch vụ chăm sóc SKSS cho thanh thiếu niên tại các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên việc cung cấp dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng đích. Việc thiết lập và duy trì mối liên kết, chuyển gửi hiệu quả giữa các điểm cung cấp thông tin tại trường học, cộng đồng, doanh nghiệp… và mạng lưới cung cấp dịch vụ thân thiện tại địa phương bao gồm cả các đơn vị y tế tuyến cơ sở còn rất hạn chế. Việc mở rộng dịch vụ thân thiện còn gặp nhiều khó khăn. Việc cung cấp thông tin và dịch vụ về SKSS cho các nhóm đối tượng dễ tổn thương còn bỏ ngỏ như: nhóm thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10 đến 14; nhóm thanh niên chưa kết hôn; nhóm khuyết tật; nhóm di cư; nhóm lao động tại các khu công nghiệp và nhóm dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc tuyên truyền về SKSS cho thanh niên trong cộng đồng, tới các bậc cha mẹ cũng chỉ mới là các bước ban đầu. Tại tuyến xã, dịch vụ tư vấn giới, bình đẳng giới, BLGĐ và chăm sóc SKSS cho thanh niên chưa được thực hiện hoặc thực hiện nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn kể cả dịch vụ tư vấn cũng như dịch vụ chuyên môn kỹ thuật ở cả tỉnh đồng bằng và miền núi.
Ngoài ra, cơ sở y tế tư nhân có xu hướng được thanh niên chưa lập gia đình lựa chọn nhiều hơn trong sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS và khám, siêu âm thai nghén. Tuy nhiên, mạng lưới y tế tư nhân hầu như chưa được tham gia vào đào tạo cập nhật về cung cấp dịch vụ thân thiện và chưa được giám sát thường xuyên về chất lượng dịch vụ tư vấn và chăm sóc SKSS trước hôn nhân, cũng như chưa tuân thủ tốt về nghị định dân số về cấm chẩn đoán giới tính trước khi sinh.
Việc thực thi chính sách về bình đẳng giới và phòng chống BLGĐ: cũng chưa thật sự hiệu quả. Việc xử phạt thấp các vi phạm chính sách cộng với các rào cản về văn hóa, xã hội dẫn tới tỷ lệ báo cáo BLGĐ chưa cao trong cộng đồng. Ngoài ra, tư tưởng trọng nam, khinh nữ trong xã hội còn tồn tại, đặc biệt tại khu vực miền Bắc nên việc thực thi chính sách về cấm chẩn đoán giới trính trước sinh, ưa thích sinh con trai còn chưa khả thi do khó xử phạt nếu không có bằng chứng hoặc người dân đến cơ sở y tế tư nhân để siêu âm xác định giới tính thai nhi.