Hòa giải là hành vi thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hoặc xích mích một cách ổn thỏa. Hòa giải cũng là giải quyết các tranh chấp, bất đồng giữa hai hay nhiều bên tranh chấp bằng việc các bên dàn xếp, thương lượng với nhau có sự tham gia của bên thứ ba (không phải là bên tranh chấp). Hòa giải còn được hiểu ở góc độ rộng hơn là một quá trình, trong đó bên thứ ba giúp hai bên tranh chấp ngồi lại với nhau để cùng giải quyết vấn đề của họ. Hòa giải cũng được coi là sự tiếp nối của quá trình thương lượng, trong đó các bên cố gắng làm điều hoà những ý kiến bất đồng.
Hòa giải có ý nghĩa lớn, nó là cho những tranh chấp, xung đột, mâu thuẫn, xích mích được giập tắt họăc không vượt qua giới hạn sự nghiêm trọng, giúp cho các bên tránh được một sự xung đột được giải quyết bằng bạo lực hoặc chiến tranh. Giúp các bên hiểu biết lẫn nhau, giữ gìn cục diện ổn định… Chính vì vai trò to lớn này nên trong quy định pháp luật, các nước thường đặt ra vấn đề hòa giải trong giải quyết các tranh chấp. Và ở góc độ quốc tế, hòa giải cũng là một trong những nguyên tắc hàng đầu trong việc giải quyết tranh chấp quốc tế được quy định tại Hiến Chương Liên Hiệp quốc.
Hòa giải còn là một chế định quan trọng trong tố tụng dân sự. Là hoạt động do Tòa án tiến hành nhằm giúp đỡ các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án dân sự (VADS). Việc hòa giải có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và công dân, giảm bớt giai đoạn tố tụng kéo dài, vừa giải quyết triệt để các mâu thuẩn giữa các đương sự… Do đó, nếu chế định hòa giải không được quan tâm trong việc giải quyết VADS thì quyền và lợi ích của các bên đương sự sẽ không được bảo đảm
Trong phòng, chống bạo lực gia đình hòa giải cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Từ ngày 01/7/2008 đến ngày 31/7/2018 Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, đã giải quyết 1.384.660 vụ, đạt tỷ lệ 97,4%, còn lại 37.407 vụ đang trong quá trình giải quyết. Trong số 1.384.660 vụ án ly hôn Tòa án đã giải quyết, có 1.060.767 vụ xuất phát từ nguyên nhân BLGĐ như: bị đánh đập, ngược đãi; vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc; ngoại tình (chiếm 76,6% các vụ án ly hôn. Báo cáo của ngành Tư pháp cho thấy năm 2014 tiếp nhận hòa giải 31.528 vụ việc BLGĐ; năm 2015 là 33.966 vụ.
Theo số liệu tổng hợp báo cáo hàng năm của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các vụ việc hòa giải chủ yếu thuộc lĩnh vực dân dự, hôn nhân gia đình, đất đai và các mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt tại cộng đồng dân cư. Trong đó, các tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình gồm: tranh chấp phát sinh từ quan hệ vợ chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn. Tuy nhiên, công tác hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình cũng chưa phát huy được hiệu quả. Khi nào thì phải xử lý một tình huống bằng hòa giải và khi nào thì cần các biện pháp khác chưa được quy định rõ trong Luật. Luật cũng thiếu các quy định về tiêu chí (trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức) của hòa giải viên và tổ hòa giải.
Về trợ giúp dài hạn cho nạn nhân BLGĐ nhằm phục hồi và tái hòa nhập, Luật mẫu Liên hợp quốc khuyến nghị các hoạt động trợ giúp không khẩn cấp cũng cần được quy định trong pháp luật về PCBLGĐ. Vấn đề hòa giải cũng gây nhiều tranh luận. Hòa giải có thể hiệu quả đối với các tranh chấp nhỏ nhưng không nên được áp dụng trong các trường hợp bạo lực diễn ra trầm trọng và triền miên. Do đó, Campuchia quy định hòa giải không được áp dụng trong các trường hợp BLGĐ có dấu hiệu trọng tội hoặc tội nghiêm trọng. Luật Timor Leste nghiêm cấm cảnh sát chuyển các vụ BLGĐ cho già làng để hòa giải.
Từ thời điểm Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành (01/01/2014) đến tháng 12/2017, số vụ việc nhận hòa giải trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình có xu hướng tăng hơn so với năm trước, cụ thể:
– Năm 2014, trong tổng số 157.584 (vụ việc) tiếp nhận hòa giải có 31.528 (vụ việc) thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Kết quả hòa giải thành đạt 23.179 (vụ việc), chiếm 73,5%; số vụ việc hòa giải không thành là 8.349 (vụ việc), chiếm 26,5%.
– Năm 2015, trong tổng số 173.180 (vụ việc) tiếp nhận hòa giải có 33.966 (vụ việc) thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Kết quả hòa giải thành đạt 25.334 (vụ việc), chiếm 74,5 %; số vụ việc hòa giải không thành là 8.632 (vụ việc), chiếm 25,5%.
– Năm 2016, tổng số vụ việc tiếp nhận hòa giải (bao gồm số vụ chưa giải quyết xong kỳ trước chuyển sang) là 146.434 (vụ việc), hòa giải thành 115.534 (vụ việc), chiếm 79%. Trong tổng số 26.232 (vụ việc) hòa giải không thành có 14.477 (vụ việc) thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình, chiếm 55%.
– Năm 2017, tổng số vụ việc tiếp nhận hòa giải (bao gồm số vụ chưa giải quyết xong kỳ trước chuyển sang) là 136.407 (vụ việc), hòa giải thành 108.757 (vụ việc), chiếm 80%. Số vụ, việc hòa giải không thành: 23.820 (vụ/việc), chiếm tỷ lệ 17,5%, trong đó, các vụ việc thuộc tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình chiếm 50% (11.924 vụ/việc).
Nhìn chung, những năm gần đây, số vụ việc tiếp nhận hòa giải thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình chiếm tỷ lệ cao so với các lĩnh vực khác (đất đai, môi trường, sinh hoạt trong cộng đồng…); tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc thuộc lĩnh vực này cũng đạt kết quả tốt với tỷ lệ cao. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực vẫn còn rất nhiều vụ việc hòa giải không thành, hoặc hòa giải thành nhưng một thời gian sau, mâu thuẫn, tranh chấp lại tiếp diễn.
Nguyên nhân xuất phát từ sự phát triển phức tạp của các quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ hôn nhân và gia đình; năng lực và trình độ hiểu biết của hòa giải viên chưa đồng đều, còn thiếu phương pháp, kỹ năng và kiến thức pháp luật chuyên sâu về hòa giải. Nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật như hành vi bạo lực gia đình vẫn được hòa giải viên tiếp nhận và hòa giải nên kết quả hòa giải không thành hoặc không như mong muốn, vi phạm tiếp tục tái diễn. Nguyên nhân sâu xa của thực trạng trên là do còn chưa có hướng dẫn cụ thể về các trường hợp được và không được hòa giải đối với các vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, do đó, hòa giải viên khó áp dụng đúng trên thực tế.
Cụ thể, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 đưa ra quy định về nguyên tắc hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình nhưng lại chưa làm rõ các trường hợp bạo lực gia đình có được hòa giải hay không. Khoản 1 Điều 15 của Luật chỉ quy định: “Tổ hòa giải ở cơ sở tiến hành hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở”.
Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 và điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở quy định không hòa giải đối với “vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết” mà không nêu hành vi vi phạm cụ thể không được tiến hành hòa giải ở cơ sở. Do vậy, hòa giải viên rất khó khăn trong việc xác định được những vụ việc vi phạm pháp luật về hôn nhân, gia đình nào thì được phép tiến hành hòa giải ở cơ sở, những vụ việc vi phạm nào thì không được phép.
Từ thực tế, sau mỗi vụ việc bạo lực gia đình, dù đã được pháp luật xử lý thì vẫn cần được hòa giải. Đây là một đặc thù của hòa giải trong các vụ bạo lực gia đình, để đảm bảo giữ hòa khí, tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, cùng là tránh được việc tái diễn bạo lực.
Kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi quy định về phạm vi hòa giải ở cơ sở trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời có những quy định mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng công tác hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình.